Tác động của dịch bệnh, nông sản vẫn ùn ứ chờ thông quan

Mặc dù hàng hóa xuất khẩu chính ngạch đã được thông quan nhưng tiến độ rất chậm; còn hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đang “đóng băng” do cửa các chợ biên giới tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Xe hàng di chuyển qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Nguồn: Báo Lạng Sơn). Xe hàng di chuyển qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Nguồn: Báo Lạng Sơn).

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tại một số cửa khẩu thuộc hai tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai vẫn còn ùn ứ nhiều xe trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.

Mặc dù hàng hóa xuất khẩu chính ngạch đã được thông quan nhưng tiến độ rất chậm; còn hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đang “đóng băng” do cửa các chợ biên giới tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi, trước mắt là tới cuối tháng 2 này.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương, tối 10/2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã xuất khẩu được 31 xe; trong đó 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn và linh kiện điện tử; đã nhập khẩu 25 xe gồm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, trái cây (táo, cam), nông sản khác (hành, tỏi, nấm); còn tồn 114 xe hàng trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử.

Tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn), không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa các loại. Cửa khẩu Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) còn tồn 37 toa (7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu).

Ngoài ra, tại tỉnh Lào Cai, từ chiều ngày 9 đến sáng 10/2 đã có 12 xe trái cây (thanh long, chuối, mít, dưa hấu) xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, tiến độ thông quan bên phía Trung Quốc vẫn chậm do thiếu nhân lực liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa.

Tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Với những diện tích chưa gieo trồng, Bộ kiến nghị doanh nghiệp và người dân xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các mặt hàng nông sản đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch;

Đồng thời liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc…

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của Bộ tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch.

Với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là những doanh nghiệp có kho lạnh, Bộ đề nghị tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc và trong khả năng của mình, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để hỗ trợ cho nông dân.

Bộ Công Thương còn đề nghị các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị..., tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ và Tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục