TA focus (phiên 11/6): Rung lắc là cơ hội cho nhà đầu tư đang “lỡ tàu”

(ĐTCK) Các chỉ báo đang tốt dần lên, hiện tượng rung lắc thường hay xảy ra trong những phiên tăng tốt gần vùng đáy lại gặp kháng cự mạnh là khá dễ đoán.
TA focus (phiên 11/6): Rung lắc là cơ hội cho nhà đầu tư đang “lỡ tàu”

Kết phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 10/6/2019, VN-Index chốt ở 962,9 điểm tăng 4,62 điểm (+0,48%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 119 triệu đơn vị, giá trị 2.758 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật

Diễn biến vận động của VN-Index trong phiên 10/6 cho thấy áp lực bán gia tăng rõ rệt khi chỉ số tiến đến khu vực kháng cự mạnh tầm 965 - 968 điểm. Một phần cũng có thể xuất hiện tâm lý e dè khi hàng bắt đáy phiên 6/6 vừa đủ T3 sẽ về tài khoản ngày 11/6. Nhưng điểm nhấn chính trong phiên có lẽ đến từ nhịp rung lắc mạnh ngay trước 2h chiều đã thực sự làm nhiều nhà đầu tư phải “cân não”.

Việc đánh mất gần toàn bộ số điểm tăng trước đó trong thời gian ngắn khiến tâm lý cả bên bán và mua rất căng thẳng. Rất may, lực cầu mạnh ở vùng giá tốt nhất trong ngày đã xuất hiện đúng lúc, nhanh chóng kéo chỉ số quay lại đà tăng.

Giá tăng và thanh khoản tăng theo rõ ràng là tín hiệu tốt, chỉ là VN-Index tiệm cận khu vực kháng cự cứng hơi nhanh và có kèm rung lắc mạnh trong phiên khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý do dự, điều này phản ánh khá hợp lý khi chốt phiên chỉ số bất ngờ hình thành cây nến gần giống mẫu Doji cho thấy sự lưỡng lự của cả bên bán và bên mua.

Về nhóm chỉ báo dao động: BB đang đi ngang nhưng với biên độ rộng, không phải hẹp, hay thắt lại để kỳ vọng chỉ số có thể bứt phá mạnh. Giá cũng chưa vượt qua MA20 (968,4), nên giá đương nhiên vẫn thuộc về nửa dưới của dải BB. Đã 2 lần test BB bottom vào giữa tuần trước, xác suất quay lại BB bottom khá nhỏ, hy vọng giá sẽ sớm thuộc về nửa trên của dải BB trong những phiên tới.

Về nhóm chỉ báo động lượng: Lực mua đang mạnh dần theo từng phiên, RSI sắp cắt line 50 hướng lên trên, chỉ báo Stochastic cũng cho tín hiệu tốt, nhiều khả năng nhịp tăng vẫn còn.

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index.

Tóm lại, các chỉ báo đang tốt dần lên, hiện tượng rung lắc thường hay xảy ra trong những phiên tăng tốt gần vùng đáy lại gặp kháng cự mạnh là khá dễ đoán. Sự thật thì không nhiều nhà đầu tư muốn đối diện với tình huống “khó thở” này, nhưng hầu hết nhà đầu tư vẫn hiểu rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận kỳ vọng, do vậy trong ngắn hạn, rung lắc hoặc thậm chí điều chỉnh đều là cơ hội cho những nhà đầu tư đang “lỡ tàu”.

Hải Đăng, Trưởng nhóm môi giới TVSI Ngọc Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục