Rồng Komodo là loài thằn lằn khổng lồ sinh sống trên các đảo ở Indonesia, gồm Komodo, Rinca, Flores và Gili Motang. Chúng thuộc họ Varanidae, là thành viên của chi kỳ đà, và là loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại, với chiều dài tối đa lên đến 3 m, nặng khoảng 70 kg.
Hiện nay, loài thằn lằn khổng lồ này chỉ được tìm thấy trên đảo Komodo xa xôi và một số hòn đảo lân cận ở phía Đông Indonesia.
Người châu Âu không phát hiện ra sự tồn tại của rồng Komodo cho đến năm 1910. Lúc đầu, người ta nghĩ nó là "cá sấu cạn", có người còn tưởng nó là khủng long sống nên mới đặt tên là rồng Komodo.
Đòn tấn công vật lý mạnh nhất của rồng Komodo là miệng - đầy những chiếc răng sắc nhọn. Nó có hơn 60 chiếc răng, dài khoảng 2,5 cm, hình móc câu, có răng cưa ở bên trong, có thể xé da của con mồi và gây ra những vết thương giống như vết rách. Ngoài ra, răng của rồng Komodo được thay mới thường xuyên, vì vậy chúng có thể vẫn sắc bén mà không lo bị mòn - khác với rắn và cá sấu, vì vậy một số người còn đặt cho nó biệt danh là "cá mập đất".
Mới đây, một đoạn clip được cư dân mạng "đào mộ" đang nhận được rất nhiều sự chú ý. Theo đó, người xem có thể thấy một con rồng komodo đang chậm rãi đi dạo trên bãi biển với một chiếc mai rùa to lớn trùm kín trên đầu. Thật ra cũng chẳng cần phải thêm bất kỳ món trang sức nào mà chỉ cần sự xuất hiện của rồng komodo thôi đã đủ gây rất nhiều sự tò mò rồi. Tuy nhiên, với hình dáng kỳ lạ của chú rồng komodo trong đoạn clip đã gây ra một "vụ nổ" trên mạng xã hội. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đoạn clip chú rồng komodo kỳ lạ đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem cùng hàng nghìn bình luận theo sau đó.
Nó được tác giả - Fascinating đăng trên twitter với nội dung "Một con rồng komodo sau khi ăn thịt một con rùa đã lấy cái mai của nó để đội lên đầu như một chiếc mũ".
Trong số các loài động vật hoang dã, rồng komodo là loài động vật săn mồi có phạm vi hoạt động nhỏ nhất. Chúng ưa thích hoạt động dưới thời tiết nóng ẩm với nhiệt độ khoảng 35 độ C và độ ẩm 70%.
Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, vào tháng 9 năm 2021, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa chúng vào Danh sách Đỏ các loài động vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
IUCN cho biết, nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển dâng lên, dự kiến sẽ làm giảm ít nhất 30% môi trường sống của rồng Komodo trong vòng 45 năm tới. Ước tính, chỉ còn khoảng hơn 3.300 cá thể rồng Komodo, và có thể suy giảm 30% trong 45 năm tới.