Sudico (SJS), cổ đông mỏi mắt chờ cổ tức

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thời hạn trả cổ tức năm 2016, 2017 của Sudico thêm một lần bị lùi lại và chưa xuất hiện những yếu tố đảm bảo kế hoạch trả cổ tức mới được thực hiện đúng cam kết.

Khu đô thị Nam An Khánh là dự án lớn nhất của Sudico. Khu đô thị Nam An Khánh là dự án lớn nhất của Sudico.

Luẩn quẩn trong vòng tròn thiếu vốn – tồn kho

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - mã chứng khoán SJS: HOSE) vừa ra thông báo về việc lùi lịch trả cổ tức năm 2016, 2017.

Theo đó, khoản cổ tức (mỗi năm 10%) sẽ được thanh toán trong thời gian từ ngày 31/12/2020 đến ngày 31/12/2021. Sudico cho biết, trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty sẽ xem xét thực hiện thanh toán cổ tức sớm hơn.

Đây là lần thứ hai Sudico khất nợ. Trước đó, vào tháng 9/2019, doanh nghiệp đã thay đổi lịch trả cổ tức từ cuối năm 2019 sang cuối năm 2020.

Thực tế, thiếu hụt dòng tiền là câu chuyện tồn tại nhiều năm nay ở doanh nghiệp bất động sản này.

Dòng tiền kinh doanh chính năm 2016 âm 121,5 tỷ đồng, năm 2017 chỉ dương 24,4 tỷ đồng, năm 2018 dương 27,3 tỷ đồng, năm 2019 lại âm 3,9 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2020 dương 4,8 tỷ đồng.

Sudico vừa lên kế hoạch huy động 300 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cho Dự án Nam An Khánh, lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn 2 năm.

Nguyên nhân thiếu hụt dòng tiền là hàng tồn kho, tài sản dở dang quá lớn, tại thời điểm 30/9/2020, tồn kho của Công ty lên tới 3.852 tỷ đồng, chiếm 54,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn lên tới 1.998,6 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng tài sản.

Trong đó, tồn kho chủ yếu nằm ở Dự án Khu đô thị Nam An Khánh, tới 3.371,1 tỷ đồng; 297,9 tỷ đồng dự án mở rộng khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo – HB; 176,3 tỷ đồng dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì. Còn tài sản dở dang dài hạn chủ yếu nằm ở dự án Hoà Hải - Đà Nẵng, với 1.164 tỷ đồng; dự án Văn La - Văn Khê với 526 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 diễn ra vào giữa năm nay, doanh nghiệp cho biết tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bán các sản phẩm tại dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh; hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư và các thủ tục pháp lý của dự án khu nhà ở Văn La; hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, làm các thủ tục điều chỉnh dự án Nam An Khánh phần mở rộng; hoàn thành phê duyệt quy hoạch 1/500 các dự án Hoà Hải – Đà Nẵng, dự án Khu đô thị Tiến Xuân…

Có thể thấy, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đẩy mạnh triển khai các dự án, cũng như cần nhu cầu vốn lớn để có thể phát triển các dự án hiện hữu. Việc dòng tiền hạn chế tiếp tục thách thức khả năng triển khai các dự án hiện hữu để giải phóng hàng tồn kho.

Mắc kẹt vì cơ cấu cổ đông

Ba quý đầu năm nay, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 28,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,4% và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh 2020 (doanh thu 1.080 tỷ đồng và lãi trước thuế 147 tỷ đồng), doanh nghiệp mới thực hiện được chưa đầy 20% chỉ tiêu doanh thu và 26,6% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Trong những năm qua, mặc dù sở hữu khối tài sản 7.045,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên tới 2.140,5 tỷ đồng, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản và vốn của Sudico rất thấp.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty năm 2018 là 4,84%, năm 2019 là 4,67% và 9 tháng đầu năm là 1,3%. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành như Vinhomes, Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng, Tập đoàn Hà Đô, Đầu tư Nam Long… lần lượt có ROE năm 2019 là 38,54%; 11,02%; 31,21%; 17,79%…

Sở hữu nhiều quỹ đất lớn, ở những vị trí đắc địa, có tiềm năng tăng trưởng không thua kém những doanh nghiệp đầu ngành, vì sao Sudico vẫn giậm chân tại chỗ?

Dưới góc nhìn của một số chuyên gia, điều này xuất phát từ cơ cấu cổ đông của Công ty. Hiện Công ty có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Sông Đà - CTCP (sở hữu 36,3%) và ông Đỗ Văn Bình nắm 11,39%.

Việc không có cổ đông có tỷ lệ sở hữu đủ lớn để chi phối mọi quyết định của Công ty cũng như có tiềm lực tài chính đủ mạnh khiến các dự án của Công ty gặp khó trong triển khai.

Giới đầu tư từng kỳ vọng việc thoái vốn nhà nước tại Sudico được triển khai sẽ thu hút được cổ đông mới, nguồn vốn mới tạo ra sức bật cho Sudico, như trường hợp của Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà từng chia sẻ, “việc thoái vốn Sudico do Bộ Xây dựng quyết định”. Tuy nhiên, đến nay, chưa có thêm thông tin mới nào về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Sudico.

Với diễn biến hiện tại, cổ đông Sudico sẽ còn phải đỏ mắt chờ khoản cổ tức nợ từ vài năm trước.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục