Nhóm doanh nghiệp bất động sản công nghiệp vừa có một tuần rất sôi động, với hàng loạt cổ phiếu như KBC, VGC, IDC, BCM, TIP… tăng giá hàng chục phần trăm.
Đà tăng của nhóm bất động sản khu công nghiệp nói riêng, bất động sản nói chung dựa trên kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục mạnh khi nền kinh tế bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Bên cạnh đó, quý IV cũng là điểm rơi lợi nhuận của ngành, trong khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá tích cực.
Cổ phiếu KBC (của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) đóng cửa tuần qua ở mức 48.500 đồng/cổ phiếu, tăng 4.850 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước nữa, tương đương mức tăng hơn 10,5% trong tuần. Giá trị giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 12,3 triệu đơn vị.
Quý III vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, KBC lỗ 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ 2 quý đầu năm kinh doanh khởi sắc, lũy kế 9 tháng, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 3.077 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 230% và 660% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng công ty mẹ đạt 572 tỷ đồng, tăng 1.803%.
Xét trong nhóm bất động sản, KBC là cái tên khá hấp dẫn nhờ tiềm lực tài chính mạnh và quỹ đất lớn.
Hiện Tổng công ty đang sở hữu hàng loạt dự án khu công nghiệp, khu đô thị ở vị trí đắc địa như Khu đô thị và khu công nghiệp Tràng Cát, dự án Tân Phú Trung, Phúc Ninh, Quang Châu, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu đô thị Tràng Duệ…
Tại thời điểm 30/9/2021, KBC có tổng tài sản gần 30.200 tỷ đồng, tăng gần 27% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền là hơn 3.795 tỷ đồng.
Cuối quý III, KBC đang có hơn 240 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản và 967 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang ở các dự án Viễn Đông Meridian Towers, khu ngoại giao đoàn Hà Nội, nhà xưởng khu công nghiệp Quang Châu, khu công nghiệp Tràng Duệ, khu công nghiệp Quế Võ mở rộng, Nhà máy nhiệt điện Bắc Giang…
Trong khi đó, Tổng công ty Viglacera (mã VGC) không chỉ nắm trong tay quỹ đất khu công nghiệp hàng nghìn héc-ta tại Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh mà còn thu hút giới đầu tư với câu chuyện M&A. Cụ thể, ngày 8/10/2021, VGC nhận vốn góp từ Tổng công ty Thiết bị điện (mã GEX) bằng cổ phiếu với 54,6 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của GEX tại Viglacera lên 50,21%.
Viglacera cũng vừa nâng tỷ lệ sở hữu 65% tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (mã PEG). Đây là công ty kính nổi siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam và có hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ cao.
Kết quả kinh doanh của Viglacera 9 tháng đầu năm khá vượt trội, ước lãi hợp nhất trước thuế 1.040 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 9 tháng ước đạt 952 tỷ đồng, tăng 27% so với kế hoạch năm. Năm nay, VGC đặt kế hoạch doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (mã BCM), kế hoạch kinh doanh dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 22/11 gây chú ý với giới đầu tư. Theo đó, năm 2021, BCM đặt mục tiêu doanh thu 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 5% so với kết quả thực hiện năm 2020.
BCM đang đẩy mạnh triển khai các dự án và đưa vào kinh doanh Khu công nghiệp Cây Trường, Khu phức hợp WTC Bình Dương New, khánh thành trung tâm triển lãm WTC Expo TPM Bình Dương… Đáng chú ý, BCM có kế hoạch lấn sân sang sang lĩnh vực truyền tải và phân phối điện.
Với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo (mã ITA), diễn biến đáng chú ý là động thái liên tục mua vào của cổ đông lớn. Cụ thể, Đại học Tân Tạo chi 100 tỷ đồng để sở hữu 10 triệu cổ phiếu ITA, nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,12% lên 12,18%, giao dịch được thực hiện từ 18/10 - 16/11/2021.
Trước đó, trong tháng 9, Đại học Tân Tạo đã hai lần chi tiền để mua cổ phiếu ITA và trở thành cổ đông lớn tại đây. Tuy có động thái cổ đông lớn liên tục mua vào nhưng cổ phiếu ITA vẫn giảm nhẹ trong vài phiên trở lại đây. So với hồi đầu năm, ITA tăng hơn 10% thị giá.
Đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp nằm ở phía Nam chịu nặng nề. Việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến việc thu hút đầu tư mới vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ công tác chống dịch.
Do vậy, thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng sản xuất. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và nhà xưởng sản xuất lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%.
Dịch bệnh ảnh hưởng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã TIP). Quý III, TIP đạt 29,5 tỷ đồng doanh thu và 6,8 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 23% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kết quả khả quan trong giai đoạn trước đó, lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng trưởng lần lượt 28% và 11%. Cụ thể, 9 tháng, doanh thu TIP đạt 185,3 tỷ đồng và 66,9 tỷ đồng lợi nhuận.
Dù nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vừa trải qua một giai đoạn tăng giá tích cực, nhưng trên một số diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin nhóm này tiếp tục tạo sóng.
Bất động sản công nghiệp, dưới góc nhìn của công ty tư vấn bất động sản JLL, vẫn là tiếp tục hưởng lợi. Theo đó, “mặc dù giãn cách xã hội dài ngày đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Cổ phiếu bất động sản công nghiệp vẫn được giới phân tích khuyến nghị nắm giữ dài hạn, đặc biệt lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ các lợi thế tiềm lực tài chính và quỹ đất lớn.