Cổ phiếu khu công nghiệp chạy trước hiệu quả doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá thuê đất khu công nghiệp tăng theo nhu cầu ngày một tăng của khách thuê, tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này.
Nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi tăng mạnh thời gian gần đây. Ảnh: Dũng Minh. Nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi tăng mạnh thời gian gần đây. Ảnh: Dũng Minh.

Thị giá cổ phiếu tăng theo giá đất

Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, giá thuê bất động sản công nghiệp đã tăng mạnh ở nhiều thị trường chủ lực thời gian qua, nhất là tại 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam khi đều xác lập đỉnh giá mới trong năm 2020, lần lượt là 4,1 USD/m2/tháng và 4,4 USD/m2/tháng.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021 tiếp tục là năm khởi sắc của các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp đại chúng nói chung, doanh nghiệp khu công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nói riêng và sự kỳ vọng này đã phản ánh lên thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp khu công nghiệp thời gian qua.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp đã tăng tích cực.

Chẳng hạn, nếu như hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu KBC của Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc ở quanh mức 26.000 đồng/cổ phiếu thì nay tăng lên 36.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng hơn 38%.

Tất nhiên, không phải cổ phiếu khu công nghiệp nào cũng “đón sóng” thành công. Có những cổ phiếu tăng thấp, thậm chí giảm giá. Đơn cử, cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, nếu như đầu năm 2021 giao dịch quanh mức 7.800 đồng/cổ phiếu thì nay mới nhích nhẹ lên 8.000 đồng/cổ phiếu.

Với cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu, thị giá còn giảm về mức 34.000 đồng/cổ phiếu từ mức 37.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.

Thận trọng không thừa

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thay vì quá hào hứng với đà tăng giá của cổ phiếu hiện nay, nhà đầu tư cần có cái nhìn cẩn trọng hơn, bởi sự đổ bộ của nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét, ngoài các thông tin về việc di dời nhà máy khỏi Trung Quốc.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, chuyên gia bất động sản đến từ Hải Phát Invest, triển vọng của doanh nghiệp bất động sản công nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Thực tế, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đã xuất hiện từ vài năm trước, nhưng tận dụng thành công hay không còn phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư của từng địa phương, sự hoàn chỉnh của hạ tầng giao thông khu vực, sự sẵn sàng của khu công nghiệp trong việc phát triển, mở rộng, đón khách thuê…, tức là cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, còn bây giờ mới bắt đầu thì không kịp”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, so với với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ…, khả năng cạnh tranh để đón những tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn của Việt Nam còn hạn chế do nhiều khu công nghiệp còn chưa thực sự hoàn chỉnh về hạ tầng, thiếu những hạng mục, dịch vụ cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các lĩnh vực phụ trợ.

“Đây là câu chuyện "biết rồi, nói mãi" nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Nói cách khác, chỉ khi sản phẩm của các chủ đầu tư khu công nghiệp thực sự hoàn chỉnh thì cổ phiếu nhóm ngành này mới có thể bứt phá”, bà Hương nêu quan điểm.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục