Sức hấp thụ vốn dần cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng thoát “âm” kể từ tháng 3/2024, lãnh đạo các ngân hàng kỳ vọng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới.
Trong quý I/2024, đặc điểm nổi bật của thị trường tín dụng là làn sóng giảm lãi suất cho vay Trong quý I/2024, đặc điểm nổi bật của thị trường tín dụng là làn sóng giảm lãi suất cho vay

Dấu hiệu khởi sắc

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện huy động vốn của toàn hệ thống đạt 13,73 triệu tỷ đồng. Tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 28/3/2024 tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 tăng trưởng âm. Với dấu hiệu khởi sắc này, ông Tú cho rằng, nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn, tín dụng đến cuối năm có thể tăng 14 - 15%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ đầu tháng 3/2024. Kinh tế tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển đã kích thích nhu cầu vốn. Nếu như tháng 1/2024, dư nợ tín dụng giảm 0,93%, tháng 2 tăng 0,01% thì tháng 3 ước tính tăng 0,5%.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam Techcombank cho hay, 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng của Ngân hàng tăng 3 - 4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp tăng gần 7% nhờ sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu. Techcombank đang triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng: với khách hàng doanh nghiệp lớn, lãi suất vay mới từ 5,5%/năm; với khách hàng hiện hữu, Ngân hàng duy trì biểu lãi suất ưu đãi 4,5 - 6,5%/năm, nếu có lịch sử tín dụng tốt; với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Ngân hàng cho vay với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2024 đạt 4,6%, huy động vốn tăng khoảng 5%. Hoạt động cho vay đối với mảng bán lẻ tăng tích cực, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trong làn sóng giảm lãi suất cho vay.

Tại ACB, tính đến cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 3,7%, tương đương 18.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cá nhân tăng 3,8%, dư nợ doanh nghiệp tăng 3,5%. Tín dụng đi vào các mảng chính gồm sản xuất - kinh doanh (50%), mua nhà để ở (khoảng 30%), vay tiêu dùng (20%). ACB không cho vay bất động sản đầu tư. Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng đến quý II/2024 tăng 9%. Hiện lãi suất ACB áp dụng từ 4 - 6%/năm cho các doanh nghiệp và từ 6 - 8%/năm cho cá nhân. Đối với cho vay mua nhà, lãi suất cố định 7%/năm trong 2 năm đầu.

Theo bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB, năm 2024, Ngân hàng tiếp tục củng cố vị thế trong phân khách hàng cá nhân, SME, FDI, xuất nhập khẩu có dòng tiền, doanh thu tốt như dệt may, da giày, nông sản, y tế, nhựa, thi công xây lắp (vốn đầu tư công), sản xuất - kinh doanh.

Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank chia sẻ, trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng rất chậm, thậm chí âm, từ tháng 2 bắt đầu đi lên, kéo cả quý I đạt mức tăng 6%, tuy thấp hơn mức tăng 9% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về con số tuyệt đối thì tương đương cùng kỳ. Tổng giá trị tín dụng tăng trưởng của HDBank đạt hơn 20.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu cho nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế, trong đó có 3 lĩnh vực quan trọng được Ngân hàng quan tâm đó là nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất (bao gồm xây dựng, các kênh phân phối), tín dụng xanh.

Nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân cũng tăng trưởng tốt, HDBank có Công ty tài chính HD SAISON đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, đẩy mạnh cho vay công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB nhận xét, thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã ở phía sau, có những lĩnh vực ghi nhận tín dụng tăng tốt như cho vay mua nhà. Kỳ vọng, tín dụng sẽ dần cải thiện trong thời gian tới.

Cần duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp

Đến hết tháng 3/2024, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, nhưng cần duy trì trong thời gian dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Ông Trần Hoài Nam dự báo, với mặt bằng lãi suất thấp, các doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí vốn, nên nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng, tín dụng đến cuối năm 2024 có thể đạt mức tăng 13,5 - 14%.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng tin rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ ngày một tốt hơn.

Theo ông Tùng, trong quý I/2024, đặc điểm nổi bật của thị trường tín dụng là làn sóng giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất cho vay trung bình các sản phẩm của OCB là 6 - 8%/năm. OCB không chỉ giảm lãi suất cho các khoản vay mới, mà còn cả các khoản vay hiện hữu, tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. OCB thực hiện chiến lược giảm lãi suất để giữ chân khách hàng và phát triển khách hàng mới.

“Chúng tôi có sự chuẩn bị cẩn thận cho việc đó như tập trung điều chỉnh sản phẩm, điều chỉnh các chính sách lãi suất và mức độ hợp lý. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, khi khách hàng nhận mức lãi suất vừa phải có thể chủ động tạo ra khả năng nợ an toàn”, ông Tùng nói.

Năm 2024, OCB sẽ đẩy mạnh các phân khúc tín dụng có thế mạnh, bao gồm SME. Ngân hàng vừa ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh, dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, SME với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho các khách hàng vay.

Về lãi suất, ông Đào Minh Tú cho biết, đến hết tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh khoảng 3%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023. Còn lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại. Hiện mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay cũng ở mức thấp.

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, lãi suất trên thị trường đã thấp, nhưng cần duy trì trong thời gian dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ phát huy tác dụng khi nền kinh tế ở pha phục hồi, cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố biểu lãi suất cho vay, gia tăng tính công khai, minh bạch và những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung có khả năng thu hút khách vay hơn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục