Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng rõ nét

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho hay, mặc dù còn một số khó khăn và giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng, song nền kinh tế hồi phục đã tác động tích cực lên sức hấp thụ vốn. Tăng trưởng tín dụng cải thiện dần về cuối năm, nhất là khi nguồn vốn giá rẻ được đẩy mạnh.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Ông đánh giá thế nào về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý cuối năm nay?

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang cải thiện dần. Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho hay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (so với cùng kỳ đạt 5,73%). Các con số này cho thấy tín dụng đang vào đà tăng tốc, khi trước đó số liệu đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.

Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của toàn ngành trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

ACB là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng cao trong hệ thống và so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của ngành. 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng 14% so với đầu năm. Chúng tôi hy vọng trong thời gian từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện. ACB tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn, với lãi suất ưu đãi ra thị trường, cho vay linh hoạt để làm sao vừa hỗ trợ được doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng năm nay và sắp tới.

Tăng trưởng tín dụng của ngành nói chung và của ACB nói riêng cải thiện trong 9 tháng đầu năm nay. Vậy kế hoạch giải ngân của ACB trong quý còn lại của năm sẽ ra sao?

ACB đã có sự tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong thời gian qua và hạn mức tín dụng còn lại để ngân hàng chúng tôi tăng trưởng là hơn 4%.

Theo nhìn nhận, có ba lĩnh vực ACB có thể đẩy mạnh cung cấp tín dụng trong 3 tháng còn lại của năm, gồm doanh nghiệp FDI, tín dụng xanh, tín dụng tiêu dùng. ACB cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng vốn giá rẻ thông qua giới thiệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và sẽ tiếp tục nâng gói vốn tín dụng lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay. Chúng tôi cung cấp nguồn vốn giá rẻ nói trên không chỉ cho khách hàng mới mà ngay cả khách hàng hiện hữu, lãi suất thấp. Trong đợt ảnh hưởng bão vừa qua, ACB giảm 1%/năm lãi suất cho những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay ưu đãi lãi suất 6%/năm để phục hồi sản xuất - kinh doanh sau khi cơn bão đi qua.

Với khách hàng cá nhân thì thế nào? Ngân hàng có các chính sách kích cầu tín dụng phân khúc này ra sao, nhất là khi cho vay mua nhà đang khá trầm lắng?

Ngân hàng chúng tôi luôn đẩy mạnh bán lẻ bên cạnh bán buôn. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh tín dụng khách hàng cá nhân: tiêu dùng, mua nhà với lãi suất ưu đãi. Đơn cử, ACB đang áp dụng chính sách lãi suất cho vay mua nhà khá cạnh tranh trên thị trường, chỉ 8,5%/năm, cố định trong 5 năm. Tuy nhiên, cho vay mua nhà đang có xu hướng tăng chậm, nếu tăng trưởng tín dụng chung của ACB trong 9 tháng đầu năm nay là 14% thì mảng cho vay mua nhà chỉ tăng hơn 10%.

Hiện thị trường thứ cấp đang dần hồi phục, cùng với đó là các gói tín dụng cho vay mua nhà lãi suất thấp được tung ra nên kỳ vọng đến cuối quý IV/2024, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn, từ đó, kích cầu sức mua, kéo theo tăng trưởng tín dụng đối với phân khúc này.

9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng 14% so với đầu năm

9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng 14% so với đầu năm

Còn chương trình tín dụng xanh của Ngân hàng đến nay đã giải ngân được bao nhiêu và kế hoạch nâng gói vay đối với phân khúc này thời gian tới ra sao?

Đây cũng là phân khúc tín dụng được ACB tập trung đẩy mạnh thời gian qua và cả thời gian sắp tới. Chúng tôi có chương trình liên quan đến tín dụng xanh để những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí ESG sẽ được tiếp cận vốn. Về quy mô tín dụng xanh, ban đầu, ACB đưa ra khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian ngắn đã giải ngân hết hạn mức tín dụng nói trên nên chúng tôi đã nâng khoản vay tín dụng xanh thêm 4.000 tỷ đồng và đến thời điểm hiện nay, ACB đã giải ngân được khoảng 3.000 tỷ đồng, do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng thêm hạn mức tín dụng xanh. Lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 2%/năm so với mặt bằng chung của thị trường.

Tuy đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, song thực tế cung - cầu vốn nhiều khi vẫn chưa gặp nhau. Theo ông, cần thêm những giải pháp gì cho vấn đề này?

Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của toàn ngành trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Doanh nghiệp có nhiều phân khúc khác nhau; trong đó, với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện cũng còn vướng mắc nhất định về sự minh bạch tài chính, tài sản thế chấp, hệ thống báo cáo… và cách tiếp cận của ngân hàng với khách hàng như thế nào. Vì thế, với việc cho vay thế chấp bằng dòng tiền, thấu chi…, chúng tôi muốn từng bước tháo gỡ các vướng mắc trên để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất ưu đãi một cách dễ dàng hơn. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ACB không chỉ cung cấp nguồn vốn giá rẻ mà còn đưa ra giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng: cho vay tín chấp theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng và vay thấu chi.

Ngoài ra, ACB cũng có giải pháp liên quan đến giao dịch về tiền cũng như các giải pháp khác. Năm nay, chúng tôi cung cấp vốn cho nền kinh tế với chính sách linh hoạt. Ngoài các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ACB đẩy mạnh các doanh nghiệp lớn với mục tiêu là các dự án trọng tâm của Chính phủ.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp đầu ngành và đầu tư công, ngân hàng chúng tôi cũng xem xét để cung ứng vốn. Còn với gói cho vay nông lâm, thủy sản, ACB đã tích cực tham gia, với hạn mức ban đầu là 3.000 tỷ đồng và sau đó nâng lên 5.000 tỷ đồng và cam kết đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này. Cho vay đối với lĩnh vực này cũng không có nhiều khác biệt so với các lĩnh vực khác, song doanh nghiệp thủy sản thường là doanh nghiệp xuất khẩu nên cũng không phải khách hàng nào cũng có đủ tài sản đảm bảo. Vì thế, ngân hàng khi tham gia cho vay lĩnh vực này buộc cho vay tín chấp, hoặc cho vay thế chấp dòng tiền, từ đó doanh nghiệp mới thúc đẩy được hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục