Sức ép với doanh nghiệp từ xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Xung đột Nga - Ukraine làm giá dầu mỏ leo thang, ảnh hưởng đến nhiều ngành, khiến chi phí sản xuất gia tăng, giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.
Chế biến gỗ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng từ xung đột Nga - Ukraine. Chế biến gỗ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng từ xung đột Nga - Ukraine.

Khả năng cạnh tranh suy giảm

Sau hơn 2 năm đều đặn xuất khẩu các mặt hàng bánh tráng, bún, miến, phở sang Nga và Ukraine, đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) đang có 6 đối tác nhập khẩu tại hai quốc gia này.

Hiện các đơn hàng đã ký với đối tác đủ cho Duy Anh Foods sản xuất đến hết năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, doanh nghiệp chưa thể xuất được 4 container hàng, mà phải trữ trong kho. Dù đã trao đổi với phía đối tác, nhưng ông Lê Duy Toàn, Giám đốc điều hành Duy Anh Foods cũng không thể xác định được thời điểm xuất hàng.

Chiến sự Nga - Ukraine không chỉ tác động đến hợp đồng mà Duy Anh đã ký, mà khiến hợp tác với những khách hàng trong tương lai trở nên bất định hơn.

“Chúng tôi đã ký được hợp đồng mua nguyên liệu cho nhà máy nhằm giảm rủi ro về giá. Tuy nhiên, khi mà giá xăng dầu ngày càng cao, chi phí đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, làm giảm sức cạnh tranh”, ông Toàn lo ngại.

Chiến sự Nga - Ukraine và cấm vận của phương Tây đã làm tăng giá nhiều loại hàng như dầu khí và một số khoáng sản chiến lược. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong sản xuất của nhiều ngành.

Giá dầu tăng trên thị trường thế giới sẽ kéo giá nhiên liệu ở thị trường nội địa tăng lên, làm tăng chi phí sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp, cũng như chi phí tiêu dùng của người dân. Ông Trần Quốc Hùng, người từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, nếu giá nhiên liệu tăng 10% thì GDP giảm 0,5% và lạm phát tăng 0,4%.

Là doanh nghiệp có hơn 20 năm nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ châu Âu, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu nêu ra hai lo ngại cho ngành này kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra.

Thứ nhất, giá gỗ nguyên liệu mua từ châu Âu đang tăng vọt do các loại gỗ từ Nga không thể xuất sang khu vực này. Các doanh nghiệp tại châu Âu cũng đang trữ lại một lượng lớn nguyên liệu gỗ, thay vì đẩy mạnh xuất khẩu như mọi năm, càng khiến cán cân cung cầu mất cân đối.

“Gỗ tròn hay gỗ xẻ đều đang tăng giá và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Thêm vào đó, giá cước vận chuyển sẽ gây thêm thách thức cho doanh nghiệp”, ông Võ Quang Hà nói.

Chưa kể, vấn đề thiếu container rỗng vẫn tiếp diễn khiến thời gian vận chuyển kéo dài gấp 4-5 lần so với trước thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào với các doanh nghiệp.

Thứ hai, nguyên liệu mua trực tiếp từ Nga hoặc thông qua một nước trung gian cũng gặp rủi ro khi các quốc gia có đối tác nhập khẩu ban hành lệnh trừng phạt, cấm giao thương với Nga.

Báo cáo Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai, do các Hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, FPA Bình Định và Tổ chức Forest Trends thực hiện đã đưa ra nhận định, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Việt Nam là quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn. Đầu tiên có thể kể đến là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.

Nông phẩm và lương thực có thể tận dụng thời cơ

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ 5, hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác. Nếu tình hình chiến sự Ukraine kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới được dự đoán có thể giảm 30% và gây ra khủng hoảng lương thực, giá tăng cao.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ (xuất 18,7 triệu tấn/năm). Vì vậy, giá gạo và nông phẩm tăng sẽ có lợi cho Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và nông phẩm, nhưng cũng làm tăng giá lương thực cho người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, thời điểm này là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm, lương thực sang thị trường EU, nơi mà mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD lương thực.

Ông Trần Quốc Hùng nhận định, EU đang cần nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế. Vì vậy, Việt Nam được khuyến nghị nên tập trung nâng cao thị phần của mình trong thị trường EU, trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

“Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng”, ông Hùng chia sẻ.

Chiến sự Nga - Ukraine và biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây ra thiếu hụt và nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược. Ngoài ra, việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga hoặc trực tiếp bị cấm vận hoặc gián tiếp vì khó khăn trong việc chi trả thanh toán sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp.

Nói chung, kinh tế sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao, gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam có cơ hội để tăng cường thâm nhập thị trường EU, chủ yếu là trong lĩnh vực nông phẩm và lương thực.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục