Sức ép tuân thủ lớn với doanh nghiệp xuất hàng vào EU

Tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng nâng cao, đặc biệt với nông - thủy sản, sản phẩm công nghiệp, đang tạo sức ép tuân thủ rất lớn với các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu sang EU ngày càng chịu nhiều rào cản. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy thủy sản Minh Phú

Hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều

Với dân số khoảng 450 triệu người và sức mua lớn, EU là thị trường quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều ngành hàng chủ lực như máy móc, thiết bị điện, giày dép, thiết bị cơ khí, hàng may mặc, cà phê, trà, gia vị… có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ các ưu đãi về thuế quan.

Xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường 27 nước EU trong năm 2024 phục hồi ấn tượng, mang về 51,66 tỷ USD, tăng 8,08 tỷ USD so với năm 2023.

Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này ngày càng có nhiều rào cản hơn, khi EU áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất bền vững và hàng loạt quy định pháp lý khắt khe khác.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững, chẳng hạn quy định nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu. Hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cũng cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate), chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.

TS. Vũ Văn Tính, cố vấn cao cấp Công ty Luật Salus chia sẻ: “Gần đây, EU liên tục đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường của họ. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, nên bị vướng khi xuất khẩu”.

Tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, ông Tính nhận ra rằng, không ít doanh nghiệp chưa cập nhật tiêu chuẩn mới mà thị trường này dựng lên. Ngay với những tiêu chuẩn thông thường mà EU đang áp dụng lâu nay, vẫn có doanh nghiệp còn mơ hồ. Nhiều doanh nghiệp còn bị EU cảnh báo về sở hữu trí tuệ, về nhãn sản phẩm, sáng chế.

EU đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn cao. Doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp, để không chỉ vượt qua thách thức, mà còn tận dụng cơ hội mở rộng thị phần tại khu vực này.

Một trong những vụ tranh chấp điển hình mà Công ty Luật Salus gặp phải là một doanh nghiệp Việt cung cấp 100 tấn hạt điều cho phía đối tác Đức hồi giữa năm 2023. Lô hàng đầu tiên không gặp vấn đề gì, nhưng lô hàng thứ hai bị từ chối nhập khẩu. Khách hàng cho rằng trong lô hàng này có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức quy định của EU, dẫn đến yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 200.000 USD. Doanh nghiệp Việt khẳng định rằng, sản phẩm đã đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam và trong hợp đồng không có điều khoản rõ ràng về quy định liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu.

Sự việc này được đưa ra Trung tâm Trọng tài Paris. Kết quả giám định cho thấy, dư lượng thuốc trừ sâu trong lô hàng là 0,01 ppm, trong khi tiêu chuẩn của EU yêu cầu mức thấp hơn 0,01 ppm. Kết cục, doanh nghiệp Việt phải bồi thường 150.000 USD, cộng với 20.000 USD phí luật sư, tổng cộng là 170.000 USD.

Dệt may - ngành hàng xuất khẩu sang EU mỗi năm trên 4 tỷ USD, có thâm niên xuất khẩu từ năm 1992 sang khu vực này cũng than phiền là rào cản ngày một nhiều hơn, làm khó cho các nhà sản xuất.

Năm ngoái, ngành dệt may xuất khẩu gần 44 tỷ USD, trong đó sang EU khoảng 4,4 tỷ USD, nhưng sẽ khó duy trì được mức tăng trưởng nếu chậm cập nhật và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về hàng dệt may tại EU. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ... đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi sản xuất xanh hơn để tăng thị phần.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU thông tin: “Với EU, họ coi ngành dệt may rất nhạy cảm vì cho rằng đây là ngành tạo nhiều rác thải. Để hạn chế, EU đã đưa quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững cũng như việc áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Những quy định ngặt nghèo này gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhãn sinh thái của EU dành cho sản phẩm dệt may đảm bảo sản xuất sợi bền vững hơn, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm hơn, hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng các chất nguy hại và sản phẩm cuối cùng có độ bền lâu dài.

Mỗi năm, châu Âu tạo ra 12,6 triệu tấn chất thải dệt may. Chỉ riêng quần áo và giày dép đã thải ra 5,2 triệu tấn chất thải. Hiện tại, chỉ có 22% chất thải dệt may sau tiêu dùng được thu gom riêng để tái sử dụng hoặc tái chế, phần còn lại thường được đốt hoặc chôn lấp. Đây là lý do EU áp dụng EPR.

Cơ quan Thương vụ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Trước hàng loạt tiêu chuẩn mới được dựng lên từ các nhà nhập khẩu EU, ông Trần Ngọc Quân chia sẻ, đại diện thương mại Việt Nam tại EU đã và đang thực hiện 2 nhóm giải pháp để hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước.

Một là, nhóm giải pháp về hỗ trợ pháp lý, tập trung vào thông tin về các chính sách mới, kết hợp với luật sư nước sở tại về hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp. “Chúng tôi tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp EU quy mô nhập khẩu vừa phải để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước dễ đáp ứng, kết hợp mời các nhãn hàng, tập đoàn bán lẻ về Việt Nam tham gia các chương trình kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing”.

Hai là, Thương vụ Việt Nam tại EU hỗ trợ doanh nghiệp Việt giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tính khuyến cáo, doanh nghiệp cần hết sức tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng, an toàn thực phẩm như dư lượng hóa chất, hạn chế chất độc hại trong thiết bị điện tử, chuẩn chỉnh và trung thực trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, không sử dụng lao động cưỡng bức…

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục