Sức ép duy trì, thị trường tiếp tục giảm trong phiên chiều 4/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền có phần mất phương hướng, giao dịch thận trọng hơn đã khiến thị trường thêm một ngày ảm đạm và ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp.
Sức ép duy trì, thị trường tiếp tục giảm trong phiên chiều 4/4

Sau phiên sáng giảm nhẹ với dòng tiền thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều nới thêm đôi chút đà đi xuống và khi chạm gần 1.265 điểm đã bật lên, hồi trở lại sắc xanh lên gần 1.275 điểm sau gần một giờ đồng hồ.

Tuy vậy, sức bật chủ yếu đến từ đóng góp của cổ phiếu lớn VCB và VNM, trong khi áp lực cung trên diện rộng vẫn tồn tại, khiến VN-Index giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm về dưới mốc 1.270 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 110 mã tăng và 379 mã giảm, VN-Index giảm 3,22 điểm (-0,25%), xuống 1.268,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 980,9 triệu đơn vị, giá trị 23.862,4 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 59,3 triệu đơn vị, giá trị gần 1.236 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu lớn nổi bật, đóng vai trò trụ đỡ cho VN-Index không giảm sâu hơn là VCB và VNM. Trong đó, VCB +2,4% lên 96.000 đồng, mức cao nhất ngày và đóng góp tới hơn 3 điểm tích cực cho chỉ số. Trong khi VNM hạ nhiệt nhẹ, kết phiên +2,3% lên 68.200 đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn ba mã khác tăng là VIC, SAB và MWG với mức tăng khiêm tốn, trong khi MSN, BID, SSB và VJC về tham chiếu.

Còn lại đều đóng cửa giảm, nhưng ngoài GVR bị chốt lời -3% xuống 33.100 đồng, thì những cái tên khác chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%. Trong đó, hai cái tên ngành ngân hàng MBB và STB khớp lệnh cao nhất với 27,8 triệu và 30,2 triệu đơn vị, theo sau là HPG với 26,3 triệu đơn vị và SSI với 24,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không khác nhiều cho so với cuối phiên sáng, khi chỉ một số ít riêng lẻ được nhà đầu tư quan tâm và mua khá mạnh, như CMG, PAC và RAL chạm giá trần. Các mã DPG +6,5% lên 49.000 đồng, HVN +5,6% lên 15.000 đồng, HAR +4,9% lên 4.700 đồng.

Hai cổ phiếu TCH và BIC có thời điểm cũng đã chạm giá trần, trước khi kết phiên thu hẹp đà tăng, với TCH +4,8% lên 16.450 đồng, khớp 21,8 triệu đơn vị và BIC +4,5% lên 30.200 đồng. Các sắc xanh khác như HHS, SKG, D2D, SFI, MHC, NAF, LDG, CSV, NTL tăng 2% đến 4%.

Trong khi đó, các mã POM, EVG, QBS vẫn nằm sàn do chịu ảnh hưởng từ quyết định hủy niêm yết bắt buộc và kết phiên đều trắng bên mua, với EVG khớp gần 5,9 triệu đơn vị, hai mã còn lại khớp hơn 2,2 triệu đơn vị.

Cũng bị bán tháo và giảm sàn còn có RDP -7% xuống 5.860 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị; VRC -6,8% xuống 12.300 đồng, khớp 0,17 triệu đơn vị; CRE -4% xuống 8.600 đồng, SIP -4% xuống 84.900 đồng.

Phiên này, cổ phiếu NVL dù nhận được một số thông tin trợ lực, nhưng cũng chỉ có được mức tăng 1,7% lên 17.500 đồng, thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 47,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có những nhịp hồi phục tích cực, nhưng chưa thể về tham chiếu khi các mã lớn phần lớn chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index giảm 1,51 điểm (-0,62%), xuống 242,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,1 triệu đơn vị, giá trị 2.209 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,61 triệu đơn vị, giá trị 99,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất bất ngờ là VC7 khi vươn lên sắc tím +9,4% lên 15.100 đồng, khớp lệnh hơn 3,78 triệu đơn vị.

Các mã lớn SHS, CEO, MBS, HUT, IDC, TNG đều mất điểm, dù chỉ giảm nhẹ, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 20,8 triệu đơn vị, theo sau là CEO với hơn 16 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã nỗ lực thoát đáy và thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,15%), xuống 91,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,5 triệu đơn vị, giá trị 495,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,64 triệu đơn vị, giá trị 201,5 tỷ đồng.

Diễn biến không khác quá nhiều phiên sáng, khi cổ phiếu BIG giữ vững giá trần +14,4% lên 9.500 đồng, khớp 0,59 triệu đơn vị, PXL +7,8% lên 13.900 đồng, khớp 0,74 triệu đơn vị; VGI nhích 2,8% lên 54.400 đồng, khớp hơn 3,08 triệu đơn vị.

Thanh khoản cao nhất và vượt trội vẫn là BSR với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh và giá cổ phiếu giảm 2,5% xuống 19.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2404 giảm 6,9 điểm, tương đương -0,54% xuống 1.265 điểm, khớp lệnh hơn 260.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế lớn, với CHPG2326 phiên này khối lượng giao dịch sôi động nhất khi có 2,95 triệu đơn vị và giảm 10,3% xuống 700 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục