Sức bền thị trường bảo hiểm toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 khiến ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu lao đao, nhưng theo cách thức khác biệt so với nhiều ngành kinh tế khác.

Khủng hoảng kinh tế hiện tại khiến nhu cầu đối với bảo hiểm chững lại. Khủng hoảng kinh tế hiện tại khiến nhu cầu đối với bảo hiểm chững lại.

Sớm hồi phục

Ngành công nghiệp bảo hiểm có đặc thù là luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống rủi ro, mất mát, bao gồm cả yếu tố đại dịch. Do đó, tuy đại dịch Covid-19 có tác động tới khía cạnh tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhưng nhìn chung nhóm này đã có những phản ứng nhanh nhạy, đồng thời nhận ra những cơ hội mới trong trung và dài hạn.

Theo báo cáo mới nhất của Swiss Re Institute, với việc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh nhất kể từ những năm 1930 trở lại đây vì đại dịch Covid-19, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu năm 2020 được dự báo sẽ giảm khoảng 6% so với năm 2019, do nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm chững lại.

Dự báo tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tại các thị trường qua các năm.

Dự báo tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tại các thị trường qua các năm.

Cụ thể hơn, mảng bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm tiết kiệm sẽ là đối tượng chịu tổn thất lớn nhất. Trong khi bảo hiểm phi nhân thọ, du lịch và các sản phẩm bảo hiểm liên quan tới các giao dịch hàng hoá cũng chịu nhiều phí tổn. Bảo hiểm bất động sản, dịch vụ y tế - sức khoẻ có phần ổn định hơn.

Theo dự báo của Swiss Re Institute, tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ quay trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra năm 2021, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm.

Dù vậy, sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ ở các lĩnh vực, mà nhóm sản phẩm phi nhân thọ sẽ leo dốc nhanh hơn, trong khi nhóm nhân thọ hồi phục chậm hơn.

Các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu bởi Trung Quốc, chính là những thị trường tiên phong đóng góp cho sự khởi sắc của thị trường bảo hiểm toàn cầu.

“Ngành công nghiệp bảo hiểm chứng tỏ sức bền khi đối diện với đại dịch Covid-19 và tình trạng nền kinh tế đi xuống. Mức độ tổn thất mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu cũng tương đương với thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, ngay cả khi nền kinh tế năm 2020 sẽ suy giảm mạnh hơn khoảng 4% so với thời kỳ đó. Nhiều tổ chức kinh tế lớn dự báo nền kinh tế sẽ không thể nhanh chóng hồi phục, nhưng chúng tôi kỳ vọng ngành bảo hiểm có thể hồi phục hình chữ V – một dấu ấn cho thấy sức mạnh của lĩnh vực này trong thời kỳ khó khăn bậc nhất”, Jerome Jean Haegeli, nhà kinh tế trưởng tại Swiss Re cho biết.

Mức độ tổn thất mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu cũng tương đương với thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại khiến nhu cầu đối với bảo hiểm chững lại. Sau khi tăng trưởng khoảng 2,2% năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu được dự báo sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2020.

Trong khi đó, môi trường lãi suất thấp cũng khiến các sản phẩm bảo hiểm có tính tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Lĩnh vực phi nhân thọ đang có màn biểu diễn tốt hơn, khi doanh thu phí được dự báo chỉ giảm 0,1% so với năm 2019 (năm 2019 tăng trưởng 3,5%).

Động lực từ các thị trường mới nổi

Swiss Re Institute ước tính, tổng doanh thu phí toàn cầu (cả nhân thọ và phi nhân thọ) tại các thị trường phát triển sẽ giảm khoảng 4% trong năm nay và quay trở lại tăng trưởng dương hơn 2% năm 2021.

Tại các thị trường mới nổi, điểm nhấn đáng chú ý là mức tăng trưởng dương trong cả năm 2020 và 2021 với dự báo lần lượt là 1% và 7%.

Vị thế tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp nhóm công ty này chống đỡ tốt hơn trước cú sốc đại dịch so với nhiều lĩnh vực khác.

Theo Swiss Re, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát tại châu Âu và Bắc Mỹ khiến việc tính toán tổn thất còn nhiều yếu tố khó đoán định, nhưng chi phí ban đầu được sử dụng để bồi thường tổn thất cho các vụ việc liên quan tới đại dịch vào khoảng 55 tỷ USD.

Ngành công nghiệp bảo hiểm sở hữu lượng tài sản đủ lớn để có thể “hấp thụ” những chi phí này.

“Những chi phí ban đầu dự báo chỉ tương đương thiệt hại gây ra bởi các cơn bão Harvey, Irma và Maria năm 2017 (tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ USD). Trong khi đó, trải nghiệm mà đại dịch Covid-19 mang đến nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm trong mọi mặt cuộc sống. Đây là bài học cho tất cả, từ nhà chính sách cho tới doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đầu tư cho sự ổn định trong dài hạn. Đây cũng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các sản phẩm bảo hiểm trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực mà tỷ lệ bao phủ bảo hiểm còn thấp”, Jerome Jean Haegeli đánh giá.

Phản ứng nhanh

Bắt đầu từ châu Á, sau đó càn quét tới châu Âu, Bắc Mỹ, đại dịch Covid-19 mang tới nhiều tổn thất về con người và tài sản.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá đã phản ứng nhanh trước những biến động của môi trường kinh doanh, ngay cả khi bản thân mình chịu tác động. Đa phần các công ty bảo hiểm phải chuyển đội ngũ nhân viên sang chế độ làm việc từ xa, đối phó với số lượng vụ việc bảo hiểm cần được xử lý gia tăng nhanh chóng.

Tại Trung Quốc, một số nhà bảo hiểm đã mở rộng độ phủ của các chính sách bảo hiểm sức khoẻ, bao gồm chi phí chữa trị hoặc bồi thường khi thiệt mạng vì Covid-19.

Một trong những nhà bảo hiểm lớn tại quốc gia này còn công bố chương trình bồi thường đặc biệt dành cho những thành viên tuyến đầu chống dịch như bác sỹ, cảnh sát với mức bồi thường lên tới 10.000 USD/hợp đồng.

Các công ty bảo hiểm khác cũng hợp lực xây dựng “kế hoạch phản ứng khẩn cấp” để đảm bảo có thể thực thi các chính sách bảo hiểm nhanh chóng nhất đối với khách hàng. Hàng loạt sản phẩm bảo hiểm với mức chi trả cao đã được cung cấp cho hàng triệu nhân viên y tế và phóng viên đang hoạt động tại khu vực dịch bệnh hoành hành, nhất là tỉnh Hồ Bắc.

Những hành động tương tự cũng được thực hiện tại Singapore, Hồng Kông…, dù dịch bệnh tại các khu vực này có diễn biến ít phức tạp hơn.

Tại Ý, đa phần chi phí chăm sóc sức khoẻ được chi trả bởi hệ thống y tế công. Một số công ty bảo hiểm lớn đã phát triển những chính sách bảo hiểm được thiết kế riêng để bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro mà Covid-19 mang lại.

Những chính sách này nhắm tới đối tượng là các hộ kinh doanh và gia đình, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm dành cho toàn bộ nhân viên tại doanh nghiệp, bất kể tình trạng sức khoẻ của các thành viên.

Lam Phong (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục