Sửa thuế thu nhập cá nhân, tạo động lực để kích cầu tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Huyền Nguyễn, Phó tổng giám đốc Báo cáo và Tuân thủ toàn cầu, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam kiến nghị, khi sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân, không chỉ cần quan tâm đến việc luật mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến số thu ngân sách, mà còn phải tính đến việc cải thiện thu nhập và kích cầu tiêu dùng, từ đó đóng góp tích cực cho vòng tuần hoàn của nền kinh tế và giúp tăng thu ngân sách nói chung.
Bà Huyền Nguyễn, Phó tổng giám đốc Báo cáo và Tuân thủ toàn cầu, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam. Bà Huyền Nguyễn, Phó tổng giám đốc Báo cáo và Tuân thủ toàn cầu, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Trong tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất đưa mức giảm trừ gia cảnh ra khỏi Luật và Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn. Bà nhìn nhận thế nào về điều này?

Việc chuyển Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh là một giải pháp tích cực nhằm tạo điều kiện cho việc điều chỉnh được linh hoạt, nhanh chóng và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Từ ngày 1/7/2013 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh mới được thay đổi một lần vào năm 2020 (tức sau 7 năm). Nguyên nhân là, theo quy định tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2012, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất. Đây là rào cản khiến mặc dù mức giảm trừ gia cảnh là vấn đề nổi cộm được thảo luận nhiều năm gần đây nhưng chúng ta vẫn phải chờ đến khi sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân thì mới có thể điều chỉnh, do CPI từ năm 2020 đến nay tăng chưa quá 20%.

Việc sửa đổi luật không hề đơn giản và thường cần nhiều thời gian để phân tích chính sách, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, trình Quốc hội xem xét thông qua… Do vậy, việc chuyển Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế một cách kịp thời.

Mức giảm trừ được tính toán chỉ dựa vào biến động của CPI đã cho thấy những bất cập, theo bà, cần dựa vào những yếu tố nào? Mức giảm trừ gia cảnh có nên được xem xét điều chỉnh theo địa bàn hay không?

Mức giảm trừ gia cảnh phụ thuộc nhiều yếu tố như chi phí cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản, chỉ số lạm phát, mức thu nhập và nhiều yếu tố khác.

CPI được xây dựng dựa trên một rổ hàng hóa (danh mục CPI giai đoạn 2020 – 2025, gồm 754 mặt hàng) và quyền số thể hiện tỷ trọng chi tiêu từng nhóm hàng so với tổng chi tiêu của dân cư. Mặc dù CPI là một trong các tham số để đánh giá mức tăng chi phí sinh hoạt của người dân, rổ hàng hóa và quyền số để tính CPI chỉ được cập nhật sau mỗi 5 năm, do vậy, CPI có thể không phản ánh kịp thời biến động giá cả qua từng năm. Nếu tiếp tục dựa vào CPI, mức độ biến động CPI cần thiết để xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nên được giảm xuống, thay vì 20% như hiện nay.

Ý kiến về việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh địa bàn cũng là một ý kiến có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế là cá nhân có thể sinh sống và làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau trong một năm tính thuế, người phụ thuộc không sống cùng người nộp thuế, người nộp thuế hoặc người phụ thuộc sống ở nước ngoài. Việc tính giảm trừ gia cảnh theo địa bàn sẽ phức tạp và khó có cơ sở xác định trong những trường hợp như vậy. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng khó có cơ sở để xác minh lại nơi sinh sống của cá nhân, ví dụ, cá nhân đăng ký thường trú và thực tế sinh sống ở tỉnh, thành phố khác nhau.

Cũng có thể cân nhắc thêm phương án, thay vì xác định mức giảm trừ gia cảnh theo địa bàn, có thể tính đến việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh theo mức tăng lương cơ sở hoặc tối thiểu vùng (ví dụ, mức tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 là 6%).

Để đưa ra được mức giảm trừ gia cảnh mới trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ cần thực hiện nhiều khảo sát, tính toán nhằm đưa ra được con số thống kê sát với chi phí sinh hoạt của đại bộ phận người dân và đảm bảo tính công bằng nhất có thể. Mức giảm trừ gia cảnh sau đó nên được xem xét điều chỉnh hàng năm, hoặc ít nhất 2 - 3 năm một lần, thay vì đợi đến khi CPI tăng quá 20% như quy định hiện hành. Để tránh việc mất nhiều thời gian thảo luận mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, Luật Thuế Thu nhập cá nhân mới có thể đưa vào quy định mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tự động thay đổi theo tỷ lệ tăng CPI hoặc tỷ lệ tăng mức lương cơ sở hoặc tối thiểu vùng.

Một điểm khá tích cực là Bộ Tài chính gợi mở việc tới đây, có thể cho trừ một số chi phí hợp lý trước khi tính thuế như chi phí học hành, khám chữa bệnh, giống như ở Hàn Quốc, Indonesia… Quan điểm của bà về định hướng này?

Đây là một hướng đi tích cực. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người nộp thuế; đồng thời, khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống.

Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quy định này, như Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, Mexico… Tùy theo quy định của từng nước, việc giảm trừ sẽ cần thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Khi áp dụng các khoản giảm trừ chi phí thì yếu tố minh bạch cần được đặc biệt lưu ý, đảm bảo công tác quản lý thu thuế cũng như các tài liệu chứng minh cho mục đích giảm trừ cần được quy định rất cụ thể.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm số bậc thuế thu nhập cá nhân, so với 7 bậc theo quy định hiện hành. Theo bà, thuế thu nhập cá nhân nên được giảm còn bao nhiêu bậc và khoảng cách giữa các bậc ra sao là hợp lý?

Trên thế giới, có nhiều nước duy trì số bậc thuế thấp. Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, Indonesia chia làm 5 bậc. Nhưng cũng có những nước duy trì số bậc thuế cao, như Singapore áp dụng 13 bậc, Malaysia áp dụng 9 bậc, Thái Lan và Hàn Quốc áp dụng 8 bậc.

Việc giảm số bậc thuế có thể sẽ khiến một số nhóm đối tượng được giảm thuế nhưng cũng sẽ có nhóm đối tượng bị tăng thuế. Ngoài ra, khi giảm số bậc thuế sẽ khiến các đối tượng có thu nhập khi quyết toán thuế bị nhảy bậc thuế và chịu tác động về thuế nhiều hơn.

Do vậy, việc giảm số bậc sẽ chỉ thực sự có tác động tích cực đến toàn bộ người nộp thuế nếu được kết hợp với việc tăng mức thu nhập chịu thuế ở từng bậc.

Vấn đề đáng chú ý là việc xây dựng lại thu nhập tính thuế và mức thuế suất ở mỗi bậc, vì biểu thuế được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp với tình hình thực tế. Như bậc cuối cùng là 80 triệu đồng cần nâng lên gấp đôi và thuế suất 35% được giảm xuống. Bà có khuyến nghị gì đối với nội dung này?

Về biểu thuế lũy tiến, có 2 điểm quan trọng cần được xem xét và nghiên cứu sửa đổi là mức thu nhập chịu thuế của từng bậc và mức thuế suất áp dụng.

Thứ nhất, theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân của người dân Việt Nam năm 2009 đạt khoảng 1.120 USD/năm, thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2023, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam đạt khoảng 4.346 USD/năm và Việt Nam chính thức bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Như vậy, từ năm 2009 đến năm 2023, thu nhập bình quân của Việt Nam đã tăng hơn 3,73 lần.

Thứ hai, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông đã được giảm từ 25% (áp dụng từ năm 2009) về 20% (từ năm 2016), trong khi thuế suất thuế thu nhập cá nhân vẫn duy trì mức cao nhất là 35% từ năm 2009 đến nay.

Thứ ba, thuế suất ở bậc cao nhất của các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philipines lần lượt là 24%, 30%, 35% và 35%, nhưng khi so sánh với các nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam, ngưỡng thu nhập chịu thuế ở mức thuế suất 35% của Việt Nam là tương đối thấp. Ví dụ, Philippines, Indonesia có mức thuế suất cao nhất cũng là 35% nhưng áp dụng với mức thu nhập 5 tỷ Rupiah Indonesia/năm (khoảng 667 triệu đồng/tháng) hoặc 8 triệu Peso Philippines/năm (khoảng 288 triệu đồng/tháng).

Do đó, việc mức thuế suất cao nhất 35% được áp dụng với thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng trở lên từ năm 2009 nên được cân nhắc và xem xét điều chỉnh.

* Quan điểm trong bài báo này là của người trả lời phỏng vấn và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục