Sữa nội vững trên sân nhà và sải bước xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp sữa nội không chỉ giữ vững thế chủ động trên “sân nhà”, mà còn tự tin cạnh tranh với các sản phẩm sữa ngoại ngay tại các thị trường xuất khẩu.
Dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ sữa Ảnh: Đức Thanh Dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ sữa Ảnh: Đức Thanh

Giữ thị trường nội và vươn ra thế giới

Đầu năm 2020, ngay trong thời điểm nhiều doanh nghiệp trong nước bị khủng hoảng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, thì những tin vui vẫn liên tiếp đến với ngành sữa. Đầu tháng 4/2020, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu lô hàng sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc; tiếp đó, doanh nghiệp này thực hiện hợp đồng xuất khẩu sữa có giá trị 20 triệu USD cho một đối tác tại Dubai.

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế (Vinamilk) khẳng định, cùng với việc giữ vững thị phần, gia tăng độ phủ và doanh số ở thị trường gần 98 triệu dân, thì xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của Vinamilk. Trong đó, thị trường gần nhưng không hề “dễ tính” là Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng và Vinamilk đã có những kế hoạch phù hợp để phát triển, tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu sang thị trường này trong giai đoạn 2020 - 2021.

Cũng trong năm 2020, Vinamilk là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Khối Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Với “giấy thông hành” quan trọng này, các sản phẩm sữa xuất khẩu của Vinamilk sẽ thuận đường sang 5 thị trường trong khối EAEU.

Tính đến ngày 14/12/2020, Vinamilk đạt giá trị vốn hóa hơn 10 tỷ USD và cho thấy sự ổn định qua các chỉ số hoạt động kinh doanh trong một năm nhiều thách thức do đại dịch Covid-19.

Tính đến tháng 12/2020, Nutifood có giá trị thương hiệu 93,9 triệu USD và nằm trong top 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam.

Sau khi chạm mốc 95.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, doanh thu toàn ngành sữa trong nước đã vượt 100.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, với mức tăng trưởng gần 10%. Đến năm 2018, tổng doanh thu của ngành đạt ước 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017 và chạm mức 121.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Sữa Việt Nam, năm 2020, tổng doanh thu toàn ngành sữa ước tăng khoảng 5% so với năm 2019

Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu nhờ vào 2 mảng chính là sữa bột và sữa nước, chiếm 70 - 75% tổng giá trị thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang tiếp tục ăn nên, làm ra bởi các sản phẩm đa dạng chế biến từ sữa, cả ở kênh nội địa lẫn xuất khẩu.

Tháng 10/2020, những lô sữa đậu nành thương hiệu Nuti đầu tiên của Nutifood đã lên kệ Walmart sau 2 năm đàm phán. Lô hàng đầu tiên với 10 container sản phẩm sữa đậu nành của NutiFood được phân phối tại tất cả 450 cửa hàng của hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart tại Trung Quốc.

“Việc gia nhập thành công thị trường Trung Quốc thông qua hệ thống Walmart tạo tiền đề để Công ty tiếp tục giới thiệu hệ sinh thái sản phẩm của mình đến 1,4 tỷ người tiêu dùng tại đây”, bà Trần Thị Lệ, CEO NutiFood tự tin cho biết.

Được biết, hiện các sản phẩm sữa của NutiFood đã xuất khẩu sang Philippines, Mỹ, Hàn Quốc…

Không “ngại” sữa nhập

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của nước ta đạt hơn 1,050 tỷ USD, tăng khoảng 3,7% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này không có nghĩa là thị trường trong nước không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bởi trong số này, nhập khẩu các sản phẩm từ sữa để phục vụ ngành sản xuất thực phẩm, bánh kẹo cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Xuất khẩu các loại bánh kẹo/sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam trong năm qua đạt khoảng 725 triệu USD, tăng 1,4% so với 2019.

Nhìn rộng ra, sự trưởng thành của các doanh nghiệp sữa nội thông qua việc ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với hệ thống nhà máy được đầu tư cả trong nước và ngoài nước đạt tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đồng nghĩa với việc sữa nội không ngại cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Cụ thể, nhìn ở năng lực sản xuất, việc các doanh nghiệp liên tục mở thêm nhà máy mới và có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã góp phần “giữ khung thành” trên “sân nhà” và giảm dần nỗi lo bị hàng ngoại lấn át khi mở cửa hội nhập.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, các công ty lớn trên thị trường sữa Việt đang có nhiều cơ hội gia tăng thị phần, kể cả giai đoạn thị trường gặp khó do Covid-19, bởi dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ sữa. Đơn cử, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 3 quý đầu năm 2020 của Vinamilk vẫn tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong một chia sẻ trước đó, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Vinamilk khẳng định, ngành sản xuất sữa trong nước đã lớn mạnh nhanh trong giai đoạn vừa qua, điển hình là Vinamilk trong việc đảm bảo cung ứng đa dạng sản phẩm sữa cho thị trường nội địa với giá rẻ hơn nhiều sữa nhập khẩu, đặc biệt với dòng sữa bột và sữa nước. Hiện nay, riêng dòng sản phẩm sữa bột, Vinamilk đã chiếm 40% thị phần trong nước.

“Nếu không có sự nỗ lực, thì thị trường sữa nội đã do sữa ngoại thống lĩnh hết. Nghiêm trọng hơn, nếu doanh nghiệp Việt không chịu lớn, doanh nghiệp ngoại vào sẽ thôn tính thị trường, thì người tiêu dùng mãi phải chịu cảnh giá cao”, bà Hương nói.

Năm 2021, một loại hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào thực thi, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở rộng đường cho sữa nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ hơn nhờ thuế giảm theo lộ trình. Các sản phẩm sữa có lộ trình giảm thuế sớm chỉ sau 3 - 5 năm khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, khoảng 44% sữa và sản phẩm từ sữa có mức thuế 0% ngay khi EVFTA đi vào thực thi hoặc sau 3 năm. Phần còn lại được xóa bỏ thuế sau 5 năm.

Hiệp hội Sữa Việt Nam nhìn nhận, áp lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ EU sẽ gia tăng mạnh nhất ở phân khúc bột whey, bơ, pho-mát, khi thuế nhập khẩu đang ở mức 10 - 20% và sẽ giảm dần về 0%. Tuy nhiên, do tập quán ăn uống của người Việt Nam, giá trị thị trường của các sản phẩm này còn rất nhỏ và đây không phải là nhóm các sản phẩm mà các doanh nghiệp sữa nội tập trung khai thác.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục