Sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu: Quan trọng là bình ổn được giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Một trong những điểm sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu là rút ngắn thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu để tiếp cận với giá thị trường thế giới.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

“Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ không quan trọng bằng việc bình ổn được mặt hàng chiến lược này”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu quan điểm.

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động liên tục, giá xăng dầu trong nước cũng vừa điều chỉnh tăng. Theo quy định hiện hành, 10 ngày mới điều chỉnh một lần. Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này liệu có rút ngắn thời gian điều chỉnh, thưa ông?

Về mặt kỹ thuật, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 10 ngày/lần hiện nay xuống 7 ngày, 5 ngày, hoặc 3 ngày/lần tưởng như đơn giản, nhưng thực ra, đây là vấn đề lớn vì phải trả lời thỏa đáng câu hỏi: rút ngắn thời gian điều chỉnh thì được cái gì?

Điều mà Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng mong muốn ở thị trường xăng dầu là ổn định được giá trong một khoảng thời gian tương đối. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh càng lâu thì tính ổn định càng cao, nếu rút xuống 2-3 ngày điều chỉnh một lần thì người dân và doanh nghiệp sẽ bị “choáng” khi giá xăng dầu “nhảy múa” liên tục.

Nhưng nếu vẫn để 10 ngày mới điều chỉnh như hiện nay thì giá xăng dầu trong nước không theo kịp với sự biến động của thị trường thế giới?

Trên thực tế, cho dù giá bán lẻ xăng dầu có điều chỉnh hàng ngày đi chăng nữa, thì giá bán lẻ trong nước cũng không theo sát giá thị trường thế giới. Bởi giá xăng dầu bán lẻ được các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu ít nhất từ 10 ngày trước, kể cả mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước thì từ khi ký hợp đồng mua đến khi bán ra thị trường ít nhất cũng phải mất cả tuần lễ. Trong vòng 7-10 ngày, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã biến động tăng/giảm nhiều lần.

Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm liên tục, nhưng 10 ngày mới điều chỉnh giá bán lẻ một lần. Thưa ông, như vậy rõ ràng là người tiêu dùng bị thiệt?

Đúng là khi giá xuống, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh dài thì người tiêu dùng bị thiệt, nhưng khi giá lên thì sao? Người tiêu dùng được lợi, còn doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận. Như vậy, tính đi tính lại trong cả một thời gian dài thì không ai bị thiệt hại vì giá không bao giờ tăng liên tục và cũng không bao giờ giảm liên tục, chưa kể Nhà nước còn có van điều chỉnh giá bán lẻ hiện tại khá hiệu quả đó là Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Tuy nhiên, với thời gian giữa 2 lần điều chỉnh hiện nay là hơi dài, vì vậy, theo tôi có thể rút ngắn xuống còn 7 ngày và quy định luôn trong nghị định là giá xăng dầu được điều chỉnh vào đúng 15h30 ngày thứ Bảy hàng tuần, không phân biệt ngày lễ, ngày Tết.

Nhà nước luôn chủ trương xây dựng thị trường năng lượng (xăng dầu, điện, than...) cạnh tranh, nhưng thưa ông, việc Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần, rõ ràng Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực thụ?

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền) nếu có thị phần từ 30% trở lên; 2 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên; 3 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65%... Hiện tại, mặc dù có 29 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhưng chỉ riêng Petrolimex nắm giữ 50% thị phần; PVOil nắm giữ 18%. Như vậy, theo Luật Cạnh tranh thì Petrolimex vi phạm quy định về chống độc quyền.

Nghị định 94/2017/NĐ-CP quy định 20 nhóm hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại cũng không có mặt hàng xăng dầu. Theo quy định của nhiều nước, doanh nghiệp độc quyền sẽ bị chia tách để tăng sức cạnh tranh cho thị trường. Tuy nhiên, với Việt Nam thì chưa thể thực hiện được vì nhiều doanh nghiệp gia tăng thị phần mang tính chất cưỡng bức theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Những doanh nghiệp này không chỉ kinh doanh đơn thuần, mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, góp phần giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế và rất nhiều nhiệm vụ khác. Nếu không có những doanh nghiệp này, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, Nhà nước lấy công cụ gì để bảo đảm các cán cân kinh tế vĩ mô vì kinh doanh bị lỗ, các doanh nghiệp khác sẽ không thực hiện do họ không có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đối với mặt hàng xăng dầu, một mặt, Nhà nước gần như ấn định giá bán, mặt khác không để bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu, gián đoạn nguồn cung. Đây là nhiệm vụ bắt buộc Petrolimex phải thực hiện, dù kinh doanh lỗ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tôi cho rằng, sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này vẫn còn loay hoay với độc quyền doanh nghiệp hay độc quyền nhà nước trong kinh doanh xăng dầu nên đến giờ này vẫn chưa trình Chính phủ thông qua được.

Hiện tại, xăng dầu phải “gánh” tới 4 loại thuế, phí, khiến giá bán lẻ cao hơn giá nhập khẩu cộng chi phí rất nhiều. Thưa ông, đây cũng là một trong những nội dung được tranh luận khá gay gắt khi cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu?

Có trên 150 nước trên thế giới đánh cả 4 sắc thuế (nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) lên mặt hàng xăng dầu với tỷ trọng 45 - 60% giá bán. Việt Nam cũng đánh cả sắc thuế này lên mặt hàng xăng dầu, nhưng chỉ ở mức trung bình thấp (trên 30% giá bán). Đặc biệt, Việt Nam chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, không đánh vào dầu - đầu vào của sản xuất, kinh doanh.

Nhiều người cho rằng, thuế tiêu thụ đánh vào mặt hàng xăng là phi lý vì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tôi cho rằng, quan điểm này chưa được nghiên cứu kỹ vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng, trong đó có mặt hàng xăng, nên Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục