Sửa Luật Quy hoạch đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh.

Sửa luật để phù hợp với thực tiễn sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Thay mặt Chính phủ, sáng nay (9/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Theo Bộ trưởng, qua gần 8 năm triển khai Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo các động lực phát triển mới; không gian phát triển quốc gia từng bước được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Luật Quy hoạch cũng đã xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm cản trở đầu tư phát triển, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, việc triển khai công tác quy hoạch theo cách tiếp cận tổng hợp, đa ngành đã có sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức và hành động của các ngành, các địa phương theo hướng chủ động phối hợp trong quá trình lập quy hoạch và tăng cường liên kết phát triển.

Tuy vậy, thực tiễn triển khai cũng đã nảy sinh những vướng mắc, khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngoài các vấn đề liên quan đến hệ thống quy hoạch quốc gia, về thẩm quyền tổ chức lập, thẩm quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia…, thì còn những vấn đề phát sinh liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia.

Chỉ một ví dụ, đó là về nội dung quy hoạch, sẽ có những thay đổi về tên gọi, phạm vi, ranh giới quy hoạch, các định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển… trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Hơn nữa, về phân vùng lập quy hoạch, cũng cần điều chỉnh phương án phân vùng lập quy hoạch sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đồng thời phân cấp cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh đồng thời các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, không gây gián đoạn trong quản lý và đầu tư phát triển...

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này, ngoài việc sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoàn thiện hệ thống quy hoạch, đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch…, đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Vì đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nên Dự thảo Luật quy định rõ là sẽ không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; và việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.

Đồng thời, phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được hội đồng nhân dân tỉnh thông qua…

“Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bổ sung quy định chuyển tiếp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh

Một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, là sẽ bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để không có khoảng trống pháp lý, không gián đoạn trong quản lý nhà nước về quy hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời kỳ quy hoạch hoặc cho đến khi được thay thế theo quy định pháp luật.

Trường hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang thực hiện điều chỉnh nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt thì được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch hoặc thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục đơn giản hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này và được kế thừa những nội dung phù hợp khi thực hiện điều chỉnh.

Thẩm định Dự thảo Luật Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này để bảo đảm tính khả thi; trong đó tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho rằng, Dự thảo Luật mới chỉ có quy định chung cho các trường hợp điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 bị ảnh hưởng, tác động do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà chưa có quy định riêng biệt về quy trình điều chỉnh quy hoạch tùy theo tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch bị thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tính chất, quy mô quy hoạch bị thay đổi do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; trường hợp cần thiết có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để tránh vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sẽ được thảo luận và thông qua ngay trong kỳ họp này.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục