Sửa Luật Đất đai, kỳ vọng “phút bù giờ” - Bài 1: Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
Dù không thể về đích đúng hẹn, song nhìn lại cả quá trình chuẩn bị và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) cho thấy Quốc hội luôn nhất quán quan điểm chất lượng phải được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là với đạo luật đặc biệt quan trọng này.
Từ tháng 8/2021 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh: Mỹ An Từ tháng 8/2021 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh: Mỹ An

Lời Tòa soạn: Lùi thời điểm thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện đạt chất lượng tốt nhất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang ở “phút bù giờ” quan trọng với kỳ vọng những chính sách mới thực sự có được phương án tối ưu.

Bài 1: Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu

Dù không thể về đích đúng hẹn, song nhìn lại cả quá trình chuẩn bị và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) cho thấy Quốc hội luôn nhất quán quan điểm chất lượng phải được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là với đạo luật đặc biệt quan trọng này.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Quốc hội Khóa XV vừa bế mạc Kỳ họp thứ sáu với chương trình phiên họp cuối cùng được điều chỉnh: chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Dù vì lý do gì thì đây cũng là điều đáng tiếc, bởi biết bao vướng mắc đang chờ được tháo gỡ khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực. Nhưng, quyết định cho điều chỉnh thời gian thông qua vào kỳ họp gần nhất cũng tức là, Quốc hội đồng tình với lý do được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, “để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện Dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua”.

Cần thêm thời gian để hoàn thiện, không phải bởi thời gian dành cho đạo luật này hạn hẹp. Thông thường, các đạo luật được thông qua quy trình 2 kỳ họp của Quốc hội (khoảng 1 năm). Vì là luật rất khó, rất phức tạp, nên Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được quyết định sẽ thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Dự thảo lần đầu trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), song quá trình chuẩn bị đã được lo từ sớm, từ xa, theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không chỉ trong công tác lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh “Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng thực chất. Tiến độ rất quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn”.

Ngay từ tháng 8/2021 (trước khi Dự thảo lần đầu được trình Quốc hội hơn 1 năm), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.

Hội thảo đầu tiên góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức ngay sau khi Dự thảo được công bố. Ảnh: Mỹ An

Hội thảo đầu tiên góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức ngay sau khi Dự thảo được công bố. Ảnh: Mỹ An

Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số yêu cầu cần quán triệt xuyên suốt quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 18/NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, được ban hành.

Và, tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa đã giúp cho việc thể chế hóa Nghị quyết này chủ động hơn rất nhiều.

Chắt lọc hơn 12 triệu ý kiến nhân dân

Ngoài Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, chỉ có Luật Đất đai được tổ chức lấy ý kiến nhân dân với một kế hoạch riêng.

Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023 (Chính phủ chỉ đề nghị đến hết tháng 2/2023).

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, cuối tháng 7 đầu tháng 8/2022, chỉ sau khi công bố Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ít ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành lấy ý kiến doanh nghiệp (hội thảo đầu tiên) và đại diện cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngay từ hội thảo đầu tiên, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) đã quả quyết rằng, những góp ý cho Dự thảo sẽ được lắng nghe, tiếp thu và giải trình đầy đủ (nếu không thể tiếp thu).

Các vị thấy bất cứ quy định nào chưa tốt tại Dự thảo thì hãy góp ý, trên tinh thần ích nước, lợi nhà. Ban Soạn thảo luôn luôn lắng nghe, không có hạn chế nào trong góp ý cả, khi đã lắng nghe nhau, thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể”, ông Trần Hồng Hà nói tại hội thảo.

Nhưng quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn có những điều có thể làm được tốt hơn.

Chẳng hạn, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến nhân dân được công bố chỉ gồm có Dự thảo và 2 nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Trong khi đó, cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ở báo cáo phát hành ngày 12/12/2022 đã đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo Đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về Dự thảo Luật.

Việc tiến hành lấy ý kiến cũng vào guồng khá chậm. Tại phiên họp thứ 20 (ngày 14/2/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật vẫn im lìm. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng “xắn tay” đốc thúc.

Rồi việc lấy ý kiến nhân dân cũng đã diễn ra sâu rộng. Trong báo cáo dài 405 trang sau đó, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình 757 vấn đề được nêu tại 12.107.457 lượt ý kiến góp ý của nhân dân với Dự thảo. Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, theo đánh giá của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Đặc biệt là Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm đã sửa toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Điều này cũng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.

Sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, nội dung tại Điều 79 vẫn tiếp tục được chỉnh sửa, cũng là để đảm bảo quyền lợi của dân một cách tốt nhất.

Càng công khai, minh bạch thì càng tốt

Một trong những cơ sở chính trị quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi) là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi Nghị quyết số 18-NQ/TW là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Tại dự thảo trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ sáu, theo thống kê của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã có 12 nội dung trong phần quan điểm của Nghị quyết và 8 nội dung lớn (gồm nhiều nội dung cụ thể) trong phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết được thể chế hóa tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật khác có liên quan.

Tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang trồng cây khác cũng là vướng mắc từ thực tế, cần được quan tâm khi sửa Luật Đất đai.

Tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang trồng cây khác cũng là vướng mắc từ thực tế, cần được quan tâm khi sửa Luật Đất đai.

Chẳng hạn, quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đã được thể chế hóa tại điều 12 về sở hữu đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Hay, yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường tại Nghị quyết số 18 NQ/TW đã được thể chế hóa tại Mục 2, Chương XI về giá đất. Dự thảo lấy ý kiến nhân dân giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất, song Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Điều 59 đã quy định nguyên tắc, căn cứ và 4 phương pháp định giá đất.

Gồm, phương pháp so sánh là phương pháp định giá đất trên cơ sở phân tích, so sánh, điều chỉnh mức giá của các thửa đất so sánh (sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá;

Phương pháp thặng dư là phương pháp định giá đất được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất;

Phương pháp thu nhập là phương pháp định giá đất được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân (r) của loại tiền gửi bằng Việt Nam đồng (VND) kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối trên địa bàn cấp tỉnh của 3 năm liền kề (được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12) trước thời điểm định giá;

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.

Không những thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.

Bởi, quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là quy định phương pháp định giá đất càng công khai, minh bạch thì càng tốt, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành rất cao. Tinh thần này cũng được thực hiện với nhiều nội dung khác còn “chơi vơi” trong những “phút bù giờ”.

Câu chuyện túp lều giữa hai tòa lâu đài

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trong góp ý của mình, đã kể một câu chuyện ở Mỹ.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trong góp ý của mình, đã kể một câu chuyện ở Mỹ.

Chuyện rằng, có một vị tỷ phú định xây tòa biệt thự đồ sộ, nhưng ở giữa vị trí ông này định xây có căn lều rất nhỏ của một bà cụ. Dù vị tỷ phú trả bao nhiêu tiền, bà cũng không bán, vì đây là nơi chứa đựng cả tuổi thơ của bà. Vì thế, vị tỷ phú phải xây thành 2 tòa nhà hai bên túp lều nhỏ đó.

Thế nên, cứ đi qua đó, người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy mái lều nho nhỏ lọt thỏm giữa 2 tòa lâu đài tráng lệ. Vị tỷ phú cũng rất khôn ngoan, biến thành nơi du lịch, ai đến đó cũng thích và đều ghé xem căn nhà của bà cụ. Hàng ngày, vị tỷ phú cũng cho người đến quét dọn và chăm sóc sức khỏe cho bà cụ. Vì thế, trước khi qua đời, bà cụ không bán, mà tặng lại cho vị tỷ phú căn nhà đó luôn, bởi ông tỷ phú đã sống tình nghĩa, không dùng quyền lực, tiền bạc, nhờ chính quyền can thiệp, mà tôn trọng quyền sở hữu của bà. Sau đó, vị tỷ phú vẫn giữ lại ngôi nhà nhỏ để làm địa điểm du lịch, tôn trọng những gì thuộc về quá khứ.

Cần cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu

Đại biểu Trần Thị Vân.

Đại biểu Trần Thị Vân.

Khoản 2 Điều 161 của Dự thảo Luật Đất đai quy định phân cấp, phân quyền rất triệt để và cụ thể các thẩm quyền như giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất cho địa phương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc tố tụng đáng tiếc ở một số địa phương liên quan đến việc tính toán xác định giá những khu đất vàng chưa phù hợp để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, cần cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất tính theo bảng giá có giá trị lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt, trong trường hợp khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu như các trường hợp giao đất thuộc các dự án đầu tư công hay dự án đầu tư PPP, dự án lấn biển và một số trường hợp khác thì cần có cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn sâu như Bộ Tài chính hay Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đề xuất phương án giá đất để đảm bảo không gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước chứ không đợi đến khi hậu kiểm

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục