Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 5): Cần tăng sức mạnh cho UBCK

(ĐTCK) Liên quan đến cơ quan quản lý và tổ chức vận hành TTCK, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán vẫn đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, đã đến lúc UBCK nên là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ để thực thi được nhiệm vụ thúc đẩy thị trường.
Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 5): Cần tăng sức mạnh cho UBCK

Kỳ 5: Cần tăng sức mạnh cho UBCK

Quyền lực hạn chế, khó làm sạch các vi phạm thị trường

Phản ứng của UBCK trước các tình huống bất ngờ của thị trường có lúc còn chậm; việc kịp thời phanh phui, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nhất là các vi phạm về thao túng, giao dịch nội gián chưa kịp thời, đủ sức răn đe… Không chỉ thành viên thị trường cảm nhận như vậy, chính cơ quan chủ quản của UBCK là Bộ Tài chính cũng có những đánh giá tương tự, khi nêu ra 3 hạn chế lớn về thẩm quyền của UBCK.

Thứ nhất, trong khi thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro do các hành vi mang tính lạm dụng, trục lợi, như thao túng, giao dịch nội gián xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, nhưng với thẩm quyền hiện nay, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu thao túng giá hoặc giao dịch nội gián, UBCK không có quyền triệu tập, buộc đối tượng đến làm việc để đối chất.

UBCK cũng không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện, cơ quan khác... phải cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn; về thông tin trao đổi giữa đối tượng nghi vấn; về danh tính, nhân thân đối tượng để xác minh, làm rõ mối liên hệ giữa các đối tượng; sự móc nối, thông đồng giữa các đối tượng trong việc thực hiện hành vi vi phạm...

Theo đó, khi nhận thấy dấu hiệu giao dịch bất thường giữa các tài khoản giao dịch chứng khoán với tỷ trọng lớn ảnh hưởng đến cung cầu, giá chứng khoán, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong xác minh mối liên quan giữa các tài khoản để đánh giá có hay không sự thông đồng, cấu kết, để làm rõ, chứng minh hành vi vi phạm về thao túng, nội gián, xác định các tình tiết làm căn cứ xử lý hành chính, hình sự.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng, quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế đảm bảo thực thi pháp luật trên TTCK. Việc UBCK chưa được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, cưỡng chế thực thi là chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc quản lý TTCK của Tổ chức quốc tế các UBCK (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hầu hết các nước có TTCK như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia... đều quy định tại Luật Chứng khoán thẩm quyền của UBCK trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu... Do không có các thẩm quyền này nên hiện UBCK gặp nhiều khó khăn trong thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng mang tính nghiêm trọng trên TTCK như giao dịch nội gián, thao túng thị trường.

Cần tăng thẩm quyền cho UBCK trong xác minh hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng đang bị "bó tay, bó chân"
Luật sư Trần Minh Hải   

Thứ hai, thẩm quyền quản lý, giám sát của UBCK đối với hoạt động của Trung tâm lưu ký và sở giao dịch chứng khoán hiện chưa đầy đủ, toàn diện, vì theo quy của Luật chứng khoán, các tổ chức này do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ðiều lệ của các tổ chức này được Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Thứ ba, thẩm quyền trong phối hợp của UBCK với các cơ quan có liên quan như: đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế... trong việc đăng ký, quản lý, giám sát doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong Luật. Ðiều này dẫn đến việc quản lý, giám sát hoạt động của các công ty chưa thường xuyên, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... 

Thời điểm xem xét tăng thẩm quyền cho UBCK

Ðể khắc phục tình trạng trên, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, cơ quan soạn thảo đề xuất trao thêm một số quyền cho UBCK như: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm.

Ðồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như: ngân hàng, thuế, đăng ký kinh doanh, công an... trong phối hợp thực hiện.

Ủng hộ việc trao thêm thẩm quyền cho UBCK, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, TTCK Việt Nam ngày càng phát triển sẽ càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, theo đó có nguy cơ xuất hiện những hành vi vi phạm mới tinh vi.

Nếu UBCK bị hạn chế thẩm quyền trong xác minh vi phạm để áp dụng chế tài xử phạt, thì sẽ khó hoạt động công bằng, minh bạch. Ðiều quan trọng là cần tăng thẩm quyền cho UBCK trong xác minh các hành vi vi phạm, từ đó kịp thời áp dụng các hình phạt nặng, khắc phục tình trạng cơ quan này đang bị “bó tay, bó chân”. Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần bổ sung thẩm quyền cho UBCK trong chủ động, có tính tự chủ, tự quyết cao truy xét đến cùng các vi phạm...

Ý kiến từ đại biểu Quốc hội còn đề xuất tăng mạnh hơn thẩm quyền cho UBCK so với cơ quan soạn  thảo đề xuất. Theo đó, tuy tại dự án Luật Chứng khoán có quy định: UBCK là cơ quan thuộc Bộ Tài chính..., nhưng khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án Luật, có ý kiến cho rằng UBCK cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCK, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, UBCK trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần có lộ trình rõ ràng để UBCK chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai.

Từ những ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc xác lập UBCK là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết. Trong giai đoạn trước đây, việc UBCK trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy thị trường phát triển. Tuy nhiên, đến nay, quy mô thị trường đã được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, nên việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCK là yêu cầu khách quan và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, UBCK độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của IOSCO. Trong đó nguyên tắc số 2 của IOSCO quy định: “Cơ quan quản lý độc lập trong hoạt động, chịu trách nhiệm thực thi các chức năng và quyền hạn của mình”.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phần lớn các nước quy định UBCK có vị trí độc lập (121/128 quốc gia) và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn. Trong số 128 thành viên chính thức của IOSCO, ngoài Việt Nam chỉ có 6 UBCK đang trực thuộc Bộ Tài chính gồm: Malaysia, Bangladesh, Bồ Ðào Nha, Hy Lạp, Braxin, Uganda. Tuy nhiên, UBCK tại các quốc gia này đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và đầy đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ