Sửa Luật, cần nỗ lực tổng thể

(ĐTCK) Cuối tuần qua, tại nghị trường Quốc hội, một nội dung thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, giới đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên gia là các dự án luật có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đó là Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, để bắt đầu các vòng thảo luận.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trên cơ sở nhiều nội dung cải cách được đề xuất tại 2 dự thảo luật, nhà đầu tư, doanh nghiệp trông đợi các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội sẽ đóng góp nhiều ý kiến khoa học, có tính thực tiễn và khả thi để khi 2 dự án luật được thông qua vào năm 2020, sẽ tạo bước tiến mới về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, yếu tố đang được trông chờ mở ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Việc cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đang được thực tiễn đặt ra bức bách trong bối cảnh tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn bộc lộ không ít vấn đề đáng quan ngại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2020, trong 190 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam tụt một bậc so với năm trước xuống thứ 70.

Mối quan ngại nữa như góc nhìn của ông Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch HÐQT của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đó là tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp.

Tình trạng giấy phép con, cháu, chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định đang gia tăng áp lực lên doanh nghiệp...

Dù đã có rất nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn, nếu không cải cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tụt lại phía sau… Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam từng cảnh báo.

Trong bối cảnh đó, để giải bài toán nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, việc sửa luật là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

Lý do là luật tạo ra những quy định thông thoáng, nhưng điểm cần thông thoáng cùng Luật là tư duy của đội ngũ cán bộ công chức có liên quan thường xuyên đến hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư như: thuế, xây dựng, đất đai, môi trường…

Một yếu tố đủ nữa đó là ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần được cải thiện. Bản thân người kinh doanh phải có trách nhiệm trong “nói không” với các hành vi tiêu cực.

Một khi họ vẫn muốn có được những cơ hội kinh doanh không công bằng, minh bạch thông qua hành vi “chung chi” cho cán bộ quản lý nhà nước, thì đến một lúc, chính họ chứ không phải ai khác cũng phải lãnh những hậu quả của một môi trường đầu tư, kinh doanh không “sạch”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh “sạch” hơn, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người kinh doanh hơn, cần sự vào cuộc đồng bộ của 3 trụ cột: cải cách luật pháp; đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước; doanh nghiệp, nhà đầu tư nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp.

Một khi nỗ lực “làm mới” cả 3 trụ cột này dựa trên sự liêm chính, minh bạch, chuyên nghiệp, công bằng, khả năng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam “lên điểm” trong thời gian tới là không khó.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục