Sửa Luật 69: Cắt giảm 30% thủ tục hành chính và 50% thủ tục trình lên Thủ tướng

(ĐTCK) Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang trình Quốc hội có nội dung nổi bật là tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp nhà nước.

Sáng 13/5, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự án luật này đã được trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm ngoái, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6 tới.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Cắt giảm thủ tục

Trình bày báo cáo, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, về phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; gồm: Phê duyệt chiến lược kinh doanh 5 năm; Phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm; Phê duyệt phương án huy động vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính; trường hợp huy động vốn có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần; khoản vay nước ngoài; Phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên; Ban hành quy chế quản lý tài chính; Ban hành Điều lệ của doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ); Phê duyệt Báo cáo tài chính.

Đồng thời, khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên và 50% vốn nhà nước xuống; theo nguyên tắc ở đâu có vốn của nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50%.

Trên cơ sở bám sát nguyên tắc Nhà nước chỉ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp có vốn nhà nước (doanh nghiệp F1), không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp, dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật số 69, theo đó doanh nghiệp F1 thực hiện quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp F1 thông qua Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

Tăng tính tự chủ, tự quyết cho doanh nghiệp

Về nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật, quy định rõ các nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý doanh nghiệp thông qua người đại diện; không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; bảo đảm cơ chế phân quyền, cơ chế kiểm soát theo hướng doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và đánh giá hiệu quả quản lý, đầu tư vốn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo mục tiêu tổng thể.

Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp.

UBTVQH cho rằng, theo quy định của Luật doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện trong Điều lệ công ty.

Dự thảo Luật quy định việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua người đại diện chủ sở hữu. Do đó, đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ quyết định ban hành Điều lệ công ty thông qua người đại diện tại doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của Nhà nước, hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, bổ sung vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời quy định đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng phạm vi đầu tư là hành vi bị cấm tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật.

UBTVQH đồng ý với quan điểm này và không quy định hạn chế đầu tư trong Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.

Về chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền phê duyệt chiến lược kinh doanh của cơ quan, tổ chức và quy định theo hướng tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.

UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến ĐBQH, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật; theo đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hằng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

"Quy định tại dự thảo Luật đã thay đổi căn bản so với Luật số 69, phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua", ông Phan Văn Mãi nói.

Về huy động vốn, cho vay vốn, dự thảo Luật sau chỉnh lý đã thống nhất hoàn thiện quy định doanh nghiệp được quyết định bảo lãnh cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, bổ sung quy định doanh nghiệp được cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vay vốn và hạn mức cho vay tại khoản tại khoản 3; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định điều kiện cho vay để có công cụ giám sát, cảnh báo hoạt động cho vay của doanh nghiệp và phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục