Sửa đổi toàn diện Luật Chứng khoán, bảo vệ niềm tin thị trường

(ĐTCK) Sau thông điệp về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2017, Bộ Tài chính đang chuẩn bị tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi toàn diện Luật Chứng khoán, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ niềm tin thị trường, thúc thị trường chứng khoán (TTCK) trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Khai trương sàn chứng khoán đầu năm 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng 
chỉ đạo phải hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc TTCK phát triển xứng tầm Khai trương sàn chứng khoán đầu năm 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo phải hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc TTCK phát triển xứng tầm

Khi chiếc áo pháp lý đã không còn vừa

Luật Chứng khoán lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 2006, đến năm 2010, văn bản này được sửa đổi, bổ sung, nhằm phù hợp với hiện trạng thị trường và các yêu cầu mới của tiến trình hội nhập quốc tế.

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán là xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới, cởi bỏ chiếc áo pháp lý đã chật khi thị trường đã có sự tham gia của cả nghìn doanh nghiệp đại chúng, hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong thông điệp đầu năm mới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mục tiêu lớn nhất mà Đảng và Nhà nước đặt ra là xây dựng TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế.

Trước đây, khi chưa có TTCK, dòng chảy vốn trong nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Đến năm 2016, sau 20 năm Việt Nam tạo dựng ngành chứng khoán, TTCK đã gánh đỡ khoảng 35% tổng vốn huy động của nền kinh tế, ngành ngân hàng chỉ còn đảm trách khoảng 65%.

Tỷ lệ này dự kiến sẽ điều chỉnh mạnh hơn bằng việc thúc kênh huy động vốn từ chứng khoán mạnh lên, chiếm đến 50% tổng lượng vốn huy động cho nền kinh tế.

Trong dấu ấn 20 năm ngành chứng khoán, lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ nhiều góp ý cho TTCK bật lên, tựu chung lại nằm ở 3 yếu tố cốt lõi có khả năng dẫn dắt dòng vốn gồm: hàng hóa, niềm tin thị trường và mở rộng cửa thu hút vốn ngoại.

Đây cũng là những yếu tố được Bộ Tài chính quan tâm đặc biệt trong kiến nghị dự kiến trình lên Chính phủ, đề xuất xây dựng Luật Chứng khoán mới. 

Quy định lại công ty đại chúng, xử lý tình trạng Doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, bất thường

Đánh giá của Bộ Tài chính cho biết, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được chia ra làm 2 nhóm gồm nhóm các tiêu chuẩn định lượng và nhóm các tiêu chuẩn định tính. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu định tính chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình xét duyệt hồ sơ và bản thân doanh nghiệp khi phải chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo luật.

Bên cạnh đó, do các quy định về chào bán chứng khoán có nhiều điểm thông thoáng nên trong thời gian qua có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, tăng vốn quá nhanh, nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn với quy mô tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, tình hình sản xuất - kinh doanh, chất lượng quản trị không theo kịp dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả.

Sửa đổi toàn diện Luật Chứng khoán, bảo vệ niềm tin thị trường ảnh 1

Có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và lãi suất cao bất thường, khả năng thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư khi đáo hạn trái phiếu thấp, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Ngoài ra, khái niệm công ty đại chúng chưa chặt chẽ, dẫn đến những bất cập trong quy định về hủy công ty đại chúng. Thực tế, một số doanh nghiệp đã chào bán ra công chúng và có cổ đông giảm xuống dưới 100 cổ đông, muốn hủy tư cách công ty đại chúng để tập trung vào quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, không có cơ chế cho việc hủy đăng ký công ty đại chúng.

Tiêu chí vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên và 100 cổ đông là tương đối thấp so với quy mô của các công ty đại chúng hiện tại. Một số công ty có số lượng 100 cổ đông bên ngoài, nhưng nắm giữ tỷ lệ vốn rất nhỏ so với vốn điều lệ của công ty, nên những nguyên tắc cơ bản về quản trị công ty theo quy định tại Luật Chứng khoán không thể được đảm bảo, đặc biệt là nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, nguyên tắc công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty.

Theo đó, Luật Chứng khoán mới dự kiến sẽ cụ thể về các loại chứng khoán chào bán; quy định cụ thể thẩm quyền của UBCK đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng điều kiện công ty đại chúng, theo đó vốn điều lệ đã góp lên 50 tỷ đồng, số lượng cổ đông tối thiểu là 200 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Bảo vệ niềm tin, giữ gìn sự liêm chính, kỷ cương thị trường

TTCK càng rộng mở thì vi phạm trên TTCK càng nhiều. Mấy năm gần đây, mỗi năm UBCK ban hành hàng trăm quyết định xử phạt, nhưng dường như thị trường vẫn còn không ít các vi phạm tinh vi, mang tính trục lợi, thao túng, đứng ngoài vòng pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, thao túng, nội gián là các hành vi có tính chất nghiêm trọng, xâm hại đến các nguyên tắc hoạt động của TTCK, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường. Tuy nhiên, với thẩm quyền như hiện nay, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu thao túng giá hoặc giao dịch nội gián, UBCK không có quyền triệu tập, buộc đối tượng đến làm việc để đối chất; UBCK cũng không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan liên quan phải cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn, về thông tin trao đổi giữa đối tượng nghi vấn, về danh tính, nhân thân đối tượng để xác minh, làm rõ mối liên hệ giữa các đối tượng, sự móc nối, thông đồng trong việc thực hiện hành vi vi phạm.

Sửa đổi toàn diện Luật Chứng khoán, bảo vệ niềm tin thị trường ảnh 2

Bộ Tài chính cho rằng, nếu không giải quyết tốt hiện tượng thao túng, làm giá chứng khoán thì một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 sẽ không đạt được, đồng thời chưa đáp ứng được các khuyến nghị của IOSCO; vai trò, chức năng, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán không được đảm bảo.

Hành vi thao túng, nội gián có ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vào nguyên tắc hoạt động của TTCK, gây thiệt hại không chỉ trực tiếp cho những nhà đầu tư tham gia vào các giao dịch không công bằng mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút vốn của doanh nghiệp, đến mức độ tín nhiệm thị trường, đến môi trường kinh doanh, đến hiệu quả thực thi chính sách pháp luật. 

Xây dựng Luật Chứng khoán mới, Bộ dự kiến đề xuất tăng cường thẩm quyền cho UBCK. Theo đó, đề xuất khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm, UBCK có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm.

Cùng với đó là đề xuất bổ sung thẩm quyền trong phối hợp của UBCK với các cơ quan có liên quan (như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế...) trong việc đăng ký, quản lý, giám sát doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. 

Quy định mới về room, tăng thu hút đầu tư nước ngoài

Việc mở rộng tỷ lệ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Trong thực tiễn triển khai thi hành, cơ quan quản lý nhận thấy có hạn chế, bất cập. Cụ thể, đa số các công ty đại chúng đều đăng ký nhiều ngành, nghề kinh doanh, trong đó có những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc không quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc pháp luật chuyên ngành về chứng khoán phải xác định tỷ lệ room đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nêu trên là khó chính xác, không thực sự phù hợp, thống nhất với pháp luật chuyên ngành.

Một bất cập lớn khác là khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan, doanh nghiệp sẽ bị áp dụng một số hạn chế, đặc biệt là phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC.

Sửa đổi toàn diện Luật Chứng khoán, bảo vệ niềm tin thị trường ảnh 3

Cùng với đó, doanh nghiệp chịu các ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp trong nước; không được phép thực hiện một số ngành, nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Bất cập trên khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách nới room (hiện toàn TTCK mới có 10 doanh nghiệp nới room trong tổng số khoảng 1.100 doanh nghiệp trên sàn). Cùng với đó, việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cùng một ngành, nghề còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Để tạo động lực thúc TTCK phát triển, việc sửa đổi quy định về room là cần thiết, đặc biệt trong lần sửa Luật Chứng khoán này. Ý tưởng được Bộ đề xuất với Chính phủ là đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ này được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100%, thay vì mức 49% như hiện tại sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực, ngành, nghề đó.

Về định nghĩa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, Bộ Tài chính cho rằng, nên tính việc bổ sung định nghĩa theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tính trên tổng số vốn điều lệ của một công ty đại chúng.

Bộ Tài chính cho rằng, việc làm mới cách quy định về nới room sẽ không làm phát sinh chi phí với Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng có thể giúp cả doanh nghiệp và Nhà nước thu hút được lợi ích kinh tế từ dòng vốn ngoại. Đây cũng là điều kiện cần thiết để TTCK Việt Nam bước gần hơn đến thềm hội nhập khu vực và quốc tế.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo UBCK cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ mới sẽ được thực hiện trong năm 2017, dự kiến năm 2018 trình Quốc hội xem xét, ban hành.       

Hàn Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục