Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tập đoàn Bảo Việt những ngày đầu năm 2015, hàng trăm nhân sự ngành bảo hiểm đã tay bắt mặt mừng mừng hội ngộ. Tại đây, xem lại những thước phim, đọc lại từng trang sử ký mới thấy cả một sự hy sinh thầm lặng của những con người, những doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tiên phong đã làm nên lịch sử của ngành bảo hiểm hôm nay.
Dù có mặt cách đây đã 50 năm với sự có mặt của Bảo Việt, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam thật sự khởi động sau ngày 18/12/1993 khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/CP về kinh doanh bảo hiểm. Nghị định này có thể coi là bức thông điệp đầu tiên Chính phủ tuyên bố xóa bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, việc kiến tạo thị trường không đơn giản khi mà DNBH nước ngoài chưa vào Việt Nam, còn DN trong nước lại chưa có đủ kinh nghiệm để tự thành lập.
Công ty Tái bảo hiểm Vinare và Bảo hiểm Bảo Minh là hai DNBH đầu tiên được thành lập theo tinh thần trên của Chính phủ. Đây cũng có thể coi là bước ngoặt khởi đầu cho quá trình hình thành thị trường bảo hiểm Việt Nam.
“Do ra đời trong bối cảnh phục vụ và hỗ trợ đắc lực ngành ngoại thương nên hồi đó Bảo hiểm Bảo Việt đã kiên trì nguyên tắc không chạy theo lợi nhuận tối đa, không nâng tỷ lệ phí bảo hiểm. Nhiều trường hợp, Công ty chấp nhận khó khăn, thậm chí bị lỗ vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành”, sử ký Tập đoàn Bảo Việt viết.
Sau những khó khăn của lạm phát phi mã và lãi suất cao đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Bảo Việt đã cùng cả nước đón nhận luồng gió đổi mới và đạt được bước phát triển đột phá.
“Từ năm 1986, chính sách quản lý ngoại tệ lạc hậu trước đó được thay đổi, Bảo Việt từ chỗ gặp khó khăn về tài chính, đã thoát khỏi nợ nước ngoài (trên 2,5 triệu USD) để không những hoàn thành trả nợ, mà còn tích lũy, dự trữ được trên 8 triệu USD, trên 2 triệu rúp Nga và nhiều tỷ VND. Kế thừa hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ - nền tảng phát triển đầu tiên của Bảo Việt nói riêng và toàn ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã luôn nỗ lực không ngừng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó”, sử ký Bảo Việt viết.
Nhiều năm qua, Bảo Việt cùng Bảo Minh và Vinare luôn song hành trong các dự án trọng điểm quốc gia của Chính phủ như bảo hiểm nông nghiệp; bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và mới đây nhất là bảo hiểm thủy sản…, với đóng góp quan trọng trong việc thiết kế sản phẩm, thu xếp chương trình tái bảo hiểm an toàn và hiệu quả, xây dựng các quy trình nghiệp vụ, trong cấp đơn, giám định và giải quyết bồi thường. Hàng trăm tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại đã nhanh chóng chi trả cho người dân, giúp người dân mau chóng ổn định sản xuất - kinh doanh, an sinh xã hội.
Nhớ lại 20 năm về trước, năm 1994, khi ký quyết định thành lập Vinare, Bộ Tài chính xem đây là một bước đi đầu tiên trong lộ trình chuẩn bị cho việc xây dựng và hình thành một thị trường bảo hiểm đa dạng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Thời điểm đó, cả thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có duy nhất Bảo hiểm Bảo Việt là DNBH, còn hoạt động tái bảo hiểm tương đối xa lạ với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Vinare nhập cuộc với hai trọng trách quan trọng. Một là trở thành trung tâm thị trường bảo hiểm để đánh giá rủi ro, thu xếp tái bảo hiểm ra thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Hai là, có nhiệm vụ hỗ trợ cho các DNBH mới thành lập, thu xếp tái bảo hiểm ngay khi cấp các đơn bảo hiểm gốc và giúp đỡ các công ty bảo hiểm kết nối với thị trường tái bảo hiểm quốc tế.
“Ngay từ khi thành lập, như bao DN khởi đầu khác, Vinare gặp rất nhiều khó khăn như tiềm lực tài chính hạn chế, sự thiếu hụt về mặt nhân sự, công nghệ, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với Vinare tại thời điểm thành lập đó là tập quán, thói quen trong mảng tái bảo hiểm (thường thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài) còn hiện hữu tư duy hoạt động chưa thực sự vì lợi ích chung. Do đó, mặc dù có quy chế tái bảo hiểm bắt buộc của Bộ Tài chính nhưng Vinare cũng gặp nhiều khó khăn trong thuyết phục các DNBH gốc thực hiện nghiêm túc quy chế trên”, ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Vinare nhớ lại.
Trải qua bao thăng trầm của ngành, đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tạo dựng được một vị thế nhất định, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của những “cánh chim” đầu đàn trong sứ mệnh “người tiên phong”.