Hoàng Kiều sinh năm 1944 tại Quảng Trị, Việt Nam. Ông từng có thời gian theo học kỹ thuật trong những năm tháng tuổi trẻ sống tại Sài Gòn.
Năm 32 tuổi, lần đầu đặt chân đến Mỹ, qua sự giới thiệu của một người quen, ông được sắp xếp một buổi phỏng vấn với phía nhân sự của Abbott Laboratories.
Công việc thực tập đầu tiên ở Abbott Laboratories lúc đó chỉ đem lại cho ông mức lương 1,25 USD/giờ
Tại buổi phỏng vấn, biết rõ bản thân còn thiếu nhiều kỹ năng cũng như minh nghiệm cho vị trí ứng tuyển, ông đã thẳng thắn nói với người tuyển dụng: “Tôi tin rằng mình có thể học hỏi nhanh chóng hơn bất cứ ai". Công việc thực tập đầu tiên ở Abbott Laboratories lúc đó chỉ đem lại cho ông mức lương vỏn vẹn 1,25 USD/giờ.
Tuy nhiên, chỉ sau vài năm nỗ lực, Hoàng Kiều dần dần đạt được nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý Abbott. Chỉ sau 6 tháng làm việc, ông đã được bổ nhiệm lên vị trí giám sát viên, và 6 tháng sau đó, Hoàng Kiều đã trở thành quản lý chính thức tại Abbott Laboratories.
Những năm cuối làm việc tại Abbott Laboratories, ông đã trở thành một trong những lãnh đạo cao cấp của công ty – giám đốc của một phòng chuyên trách những thí nghiệm liên quan tới thử huyết tương.
Hoàng Kiều chia sẻ: “Tôi tự hào khi trở thành người đầu tiên trên thế giới được Cục Sinh học Hoa Kỳ (tiền thân của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép tiến hành thí nghiệm thử huyết tương cho Abbott Laboratories”
Với giấy phép này, Hoàng Kiều tiếp tục các thí nghiệm liên quan đến Viêm gan B tại Abbott.
Đừng bán tri thức với giá rẻ mạt
Đến cuối những năm 1970, Hoàng Kiều bắt đầu nghĩ đến những bước tiếp theo trên con đường sự nghiệp. Ông chia sẻ về lời khuyên có giá trị nhất mà ông nhận được từ người hướng dẫn của mình trong những năm đầu tại Abbott: “Đừng bán tri thức với giá rẻ mạt”.
Quyết tâm sẽ tiếp tục sự nghiệp với những thí nghiệp huyết tương, Hoàng Kiều quyết định thành lập công ty sản xuất huyết tương y tế đầu tiên Rare Antibody Antigen Supply Inc (tên viết tắt là RAAS) vào năm 1980 và bắt đầu mở rộng xây dựng những trung tâm huyết tương. Đến 1985, ông đã có 11 trung tâm huyết tương trên khắp nước Mỹ.
Trong những năm tiếp theo, Hoàng Kiều bắt đầu mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, và vào năm 1987, ông quyết định thâm nhập thị trường Trung Quốc – đây được coi là nước đi chiến lược trong sự nghiệp của vị “tỷ phú huyết tương”. Tại thời điểm đó, có rất ít nhà đầu tư Mỹ chú trọng vào thị trường Trung Quốc, nhưng Hoàng Kiều đã trở thành một trong số ít những người nắm bắt được cơ hội từ thị trường béo bở này.
Ông tự hào: “Lúc đó ai mà nghĩ đến Trung Quốc cơ chứ? Chỉ có tôi, lúc đó chỉ có mình tôi thôi.”
Và lựa chọn của Hoàng Kiều lúc đó đã đúng. Vào năm 1987, tại Trung Quốc đã xảy ra một đại dịch viêm gan A với hơn 300 000 ca lây nhiễm từ sò bị nhiễm bệnh. Tại thời điểm đó, không một doanh nghiệp nước ngoài nào được phép sở hữu 50% cổ phần của một công ty Trung Quốc.
RAAS Thượng Hải
Tuy nhiên, Hoàng Kiều đã nắm bắt được cơ hội khi quyết định bắt tay hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải để thành lập RAAS Thượng Hải vào năm 1992 với vai trò phó Chủ tịch, nắm giữ 37% cổ phần công ty này.
Từ năm 1992, RAAS Thượng Hải bắt đầu kinh doanh albumin của người với tên gọi “AlbuRAAS” - một nguồn chiết xuất huyết tương, cùng các sản phẩm khác có nguồn gốc từ huyết tương. Hoàng Kiều cho biết, trong những năm gần đây, nhu cầu cho những sản phẩm này nhiều tới nỗi RAAS Thượng Hải không đủ nguồn cung để phục vụ đủ bất cứ tỉnh thành nào của Trung Quốc.
Với những thành công của RAAS Thượng Hải, năm 1999, Hoàng Kiều nhận giải thưởng “Công dân danh dự” của chính quyền thành phố Thượng Hải. Ông cũng đã hai lần đón nhận danh hiệu "Doanh nhân của năm" vào năm 2003 và 2005. RAAS Thượng Hải đã trở thành điểm sáng trong sự nghiệp của “tỷ phú huyết tương”.
Trong thời gian gần đây, Hoàng Kiều tiếp tục thử thách với một ngành công nghiệp hoàn toàn mới tại Mỹ – ngành chế đạo rượu. 6/2014, ông mua lại nhà máy chế xuất rượu Michael Mondavi Family tại Napa, Carlifornia; và buổi lễ khánh thành được tổ chức vào 11/2014. Lý Băng Băng – người mẫu, diễn viên hàng đầu Trung Quốc đã được chọn làm người phát ngôn trong buổi lễ khánh thành nhà máy rượu của ông.
Lý Băng Băng là người đại diện hình ảnh cho nhãn hàng rượu của tỷ phú Hoàng Kiều
Hoàng Kiều sớm thấy được những tiềm năng trong việc kết hợp 2 ngành kinh doanh của bản thân. Các công đoạn như chiết xuất, điều chỉnh độ pH, lên men, … đều có thể áp dụng được trong quy trình xử lý huyết tương cũng như chế xuất rượu. Ông đi sâu vào khía cạnh lợi ích sức khỏe mà rượu có thể mang lại cho người uống.
“Tôi đang nỗ lực nghiên cứu để có thể chế xuất ra được sản phẩm rượu có lợi cho sức khỏe mà khách hàng có thể uống hàng ngày. Tôi rất hy vọng vào viễn cảnh kết hợp 2 ngành kinh doanh này lại với nhau", Hoàng Kiều cho biết.
Nhà máy rượu của ông trong thời điểm hiện tại đang chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc và đã gặt hái được những thành công nhất định.
Năm 2015, Hoàng Kiều bỏ ra 33 triệu USD mua lại khu villa Hummingbird Nest Ranch ở ngoại ô Los Angeles với ý định xây dựng một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại khu vực này. Đây được đánh giá là một trong những nước đi đầy tính toán của vị tỷ phú với tham vọng hoàn thiện chuỗi cung ứng các sản phẩm y tế liên quan đến huyết tương.
khu villa Hummingbird Nest Ranch
Trong giới doanh nhân Việt Nam, ông Hoàng Kiều nổi tiếng với dự định đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại quê hương. Để chuẩn bị cho việc đăng cai, ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các dự án đất đai ở Tiền Giang và đã từng có ý định mua lại Công ty Du lịch Tiền Giang.
Quay lại với “con gà đẻ trứng vàng” của Hoàng Kiều - RAAS Thượng Hải; hiện tại công ty này đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, Trung Quốc. Chiều 19/12/2016, giá trị cổ phiếu của RAAS Thượng Hải đang ở mức 21,40 CNY/cổ phiếu, đóng góp phần lớn vào con số 2,9 tỷ USD tài sản ròng của Hoàng Kiều vào thời điểm hiện tại.
Với doanh thu hàng năm ước tính 214 triệu USD và vốn hóa 17,7 tỷ USD; vào 10/12/2015, RAAS Thượng Hải đã đạt “Danh hiệu xuất sắc dành cho các công ty niêm yết vừa và nhỏ trong năm 2015” do 21 Century Media Trung Quốc bình chọn.
Cuối năm 2015, RAAS Thượng Hải cũng gặt hái đạt được nhiều danh hiệu danh giá khác như “Top 10 doanh nghiệp đột phá 2015” do Forbes Trung Quốc bình chọn, “Top 20 doanh nghiệp dược phẩm cạnh tranh nhất Trung Quốc” trong Hội nghị thường niên doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc 2015, giải thưởng “Sao vàng phát triển” với 25 năm cống hiến cho ngành dược phẩm Trung Quốc,… theo website của Công ty.