Ấn tượng chung về hơn 130 báo cáo thường niên ở vòng chung khảo là đa phần được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ về nội dung và hình thức bắt mắt. Các báo cáo có nội dung khá toàn diện, với những điểm nhấn có chủ ý, không chỉ giúp người đọc có được cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng doanh nghiệp, từ ngành nghề kinh doanh, tổ chức bộ máy, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính.
Trong các báo cáo lọt vào vòng chung khảo, thực trạng tài chính của công ty được trình bày qua các chỉ tiêu và những thuyết minh cụ thể, rõ ràng đã cho thấy một bức tranh khá toàn diện về tình hình hoạt động kinh doanh, về tài chính của doanh nghiệp và phần nào hé mở triển vọng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Sự trung thực, rõ ràng của thông tin trên báo cáo thường niên không chỉ làm tăng uy tín, tạo lập lòng tin của xã hội đối với doanh nghiệp, mà còn là cơ sở tin cậy cho quyết định của các nhà đầu tư. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng báo cáo thường niên của nhiều công ty đã có truyền thống làm tốt từ nhiều năm nay như Ngân hàng TMCP Á Châu, Tập đoàn Bảo Việt...
Tuy nhiên, vẫn còn một số báo cáo có nội dung sơ sài, bố cục không hợp lý, thông tin tản mạn, khó theo dõi. Không ít báo cáo không có sự đổi mới, sáng tạo, thậm chí có báo cáo sao chép những phân tích, nhận định, đánh giá từ báo cáo thường niên năm trước, hoặc phân tích mang nặng tính lý thuyết, không ăn nhập với thực tế của công ty. Mức độ tin cậy của thông tin và tính thuyết phục của các phân tích, nhận định trong một số báo cáo chưa cao, cá biệt có những thông tin về thành tích, về kết quả hoạt động kinh doanh của công ty chưa hoàn toàn chính xác.
Báo cáo tài chính và báo cáo tài chính hợp nhất, một cấu phần quan trọng của báo cáo thường niên chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Do vậy, báo cáo trình bày còn dàn trải và thiếu sự tính toán, phân tích, đánh giá thật sâu sắc, chưa tạo thành những con số biết nói, con số có hồn về thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Phân tích rủi ro và quản trị rủi ro còn mang nặng tính hình thức, chưa nhận diện đầy đủ, đúng mức các rủi ro và chưa có biện pháp thật hữu hiệu để quản trị rủi ro.
Từ thực tế hoạt động, các báo cáo cần đưa ra định hướng và triển vọng hoạt động kinh doanh và phát triển công ty, vì vậy, rất cần có thông tin đầy đủ hơn về môi trường kinh doanh (trong đó, có môi trường pháp lý, môi trường chính sách), xu hướng phát triển và triển vọng của nền kinh tế và đặc biệt là các thông tin về thị trường, về kinh tế, về hoạt động tài chính trong nhiều năm, trong cả một quá trình. Chỉ có như vậy mới có sự nhìn nhận toàn diện, chính xác về thực trạng và xu hướng vận động, xu hướng phát triển của công ty, thấy được tính quy luật, tính đột biến và không bình thường của hoạt động kinh doanh trong từng khoảng thời gian, từng giai đoạn nhất định. Nếu chỉ là các thông tin tài chính trong 2 hay 3 năm hoạt động của công ty thì chưa đủ để đánh giá đúng mức sự vận động của một xu hướng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chứ chưa nói tới cả một chu kỳ kinh doanh.
Báo cáo thường niên theo niên độ kế toán nhằm mục đích cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế - tài chính của doanh nghiệp trong một năm. Tất nhiên, rất cần thiết phải đặt trong sự so sánh với năm trước để thấy được những biến động về tài sản, nguồn vốn, tình hình và kết quả kinh doanh. Việc so sánh nhiều năm, đánh giá cả một quá trình sẽ được đặt ra khi xây dựng chiến lược phát triển.
Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo thường niên, đảm bảo để thông tin trên báo cáo thật sự tin cậy, hữu ích. Để làm được điều này, trước hết, cần đề cao trách nhiệm trong lập và trình bày các báo cáo, đạt cho được cả 4 yêu cầu: đầy đủ, chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý, không chỉ là yêu cầu chính đáng của các nhà đầu tư, mà còn là lợi ích quốc gia, lợi ích của chính các doanh nghiệp.
Rất mừng là nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận thức được rằng việc trình bày và công khai báo cáo thường niên là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của chính doanh nghiệp.