Sứ mệnh mới của Viettel tại Lào và Campuchia: Kiến tạo xã hội số

0:00 / 0:00
0:00
Người dân vùng sâu xa hay đô thị ở Lào và Campuchia rất dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ “thời thượng” như ví điện tử, xem phim, nghe nhạc… với data tốc độ cao của Viettel
Tại Lào, Unitel là thương hiệu chiếm gần 60% thị phần viễn thông, đồng thời cũng là nhà cung cấp tiên phong trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Tại Lào, Unitel là thương hiệu chiếm gần 60% thị phần viễn thông, đồng thời cũng là nhà cung cấp tiên phong trong việc xây dựng chính phủ điện tử.

Cuộc sống số tấp nập tại Lào và Campuchia ngày nay

Nhắc đến Lào – một quốc gia nhỏ với quy mô kinh tế chỉ 18 tỷ USD, nhiều người chỉ nhớ rằng dân cư nơi này sống rất chậm rãi và an yên với cuộc sống đơn giản của họ. Nhưng giờ đây, Lào hối hả và hiện đại, được đánh giá là một quốc gia có khả năng bứt phá nhanh.

Trong cuộc sống đó, ứng dụng Mocha mà Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) cung cấp đã trở nên rất quen thuộc, thậm chí được gọi là “trùm” giải trí của giới trẻ. Ngoài các tính năng cơ bản giống các ứng dụng thông thường như chat, voice call, video call thì trong phiên bản Mocha+ mới nâng cấp, Unitel bổ sung rất nhiều tính năng chưa từng có tại Lào như: Callout, SMS out, Nghe nhạc Online, Xem Video, Xem các chương trình TV, Radio, Đọc Tin tức.

Ngoài ra, Mocha+ còn có rất nhiều tính năng dành cho giới trẻ như: Nghe nhạc cùng bạn bè trong khi đang trò chuyện, làm quen với người lạ, tìm những người bạn đang ở gần, tạo nhóm chat…

Và “khủng” nhất là việc tất cả đều được miễn phí data 3G/4G khi sử dụng ứng dụng.

Tại đây, Unitel cũng xây dựng một mạng xã hội video cho người Lào mang tên Uclip. Trên Uclip, người dùng có thể chia sẻ các video của mình sau khi tải lên từ thiết bị máy tính hay điện thoại. Nội dung trên Uclip vô cùng phong phú, bao gồm các video clip, chương trình truyền hình, video âm nhạc, phim ngắn và các nội dung khác do người dùng tự sáng tác.

Không kém phần nổi tiếng là dịch vụ ví điện tử U-money có thể giao dịch chuyển tiền, rút tiền mặt, thanh toán các dịch vụ thông qua hệ thống di động.

Tương tự tại Campuchia - một quốc gia anh em khác của Việt Nam, giới trẻ không mấy ai không biết đến Mocha. Nhận thấy giới trẻ xứ chùa Tháp rất khát nội dung số, Metfone – thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Campuchia đã biến Mocha thành một cổng giải trí cho học sinh, sinh viên, giới trẻ, dân văn phòng... với các dịch vụ mobile TV, mạng xã hội, âm nhạc, trò chơi, game trúng thưởng… Đặc biệt, việc đẩy mạnh cung cấp phim Mỹ, phim dài tập Thái, Ấn Độ, Việt Nam… trên ứng dụng này rất được ưa chuộng.

Hệ sinh thái số của Metfone tại Campuchia cũng có My Metfone (ứng dụng tương tự như My Viettel ở Việt Nam) giúp nhà mạng có thể chăm sóc thường xuyên tới từng khách hàng như Viettel++. Ví điện tử eMoney ra đời từ năm 2015, giống như ViettelPay, là ngân hàng số giúp cho việc thanh toán online của người dân Campuchia diễn ra cực kỳ nhanh chóng và tiện lợi. eMoney thậm chí được ví như một cuộc cách mạng trong thanh toán cho người dân nơi đây.

Viettel cũng “không quên” đưa đến Lào và Campuchia các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử và các công nghệ y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông… thông minh như những gì họ đã tạo ra ở Việt Nam. Hệ thống quản lý dân số mà Unitel phụ trách triển khai cho Chính phủ Lào đã hoàn thiện và thử nghiệm trong ba năm qua, góp phần cải cách các quy định hành chính và đặt những nền móng quan trọng đầu tiên cho việc hình thành Chính phủ điện tử ở Lào.

Và hàng ngày, các doanh nghiệp tại 2 quốc gia này đã và đang phát triển kinh doanh, tìm kiếm cơ hội từ hạ tầng số mà Metfone và Unitel kiến tạo. Ví dụ như dịch vụ Cloud PBX - dịch vụ cung cấp hệ thống tổng đài nội bộ theo mô hình điện toán đám mây, giải pháp phần mềm (Software –Solution) cho các đơn vị doanh nghiệp – ngân hàng và các tổ chức...

Công cuộc kiến tạo số của Viettel ở Lào và Campuchia

12 năm trước, Viettel bắt đầu kinh doanh viễn thông tại Campuchia và đặt cho mình sứ mệnh phổ cập dịch vụ viễn thông đến mọi người dân. Với sự nỗ lực của Metfone, đến nay, mật độ thâm nhập thuê bao di động tại Campuchia tăng gấp 05 lần từ xấp xỉ 25% vào năm 2008 lên trên 120%.

Hạ tầng viễn thông mạnh là một ưu thế cho Metfone khi xây dựng xã hội số và cung cấp các giải pháp cho chính phủ điện tử tại Campuchia.
Hạ tầng viễn thông mạnh là một ưu thế cho Metfone khi xây dựng xã hội số và cung cấp các giải pháp cho chính phủ điện tử tại Campuchia.

Đặc biệt, tỷ lệ thuê bao Internet di động là trên 80% (năm 2008 tỷ lệ thuê bao Data là 0%), mức tiêu dùng Data trung bình trên 20 GB/thuê bao/tháng – tương đương mức tiêu dùng Data ở các nước phát triển.

Còn Unitel - trải qua 11 năm đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại từ 18% lên 100% dân số trong độ tuổi sử dụng được tiếp cận phổ biến với viễn thông.

Hoàn thành sứ mệnh với dịch vụ viễn thông, giờ đây, Metfone và Unitel – giống như thương hiệu mẹ Viettel tại Việt Nam – đang thực hiện sứ mệnh mới là “Kiến tạo xã hội số” tại các quốc gia mà mình hoạt động. Cuộc sống số tấp nập nói trên là những bước đi đầu của sứ mệnh đó. Và hạ tầng viễn thông mạnh là yếu tố quan trọng nhất để các thương hiệu tại nước ngoài của Viettel có thể làm được tốt hơn các đối thủ.

Ngày mà Metfone làm viễn thông, không có bất kỳ công ty nào muốn lắp đặt trạm phát sóng di động ở Biển Hồ chứ chưa nói đến chuyện dựng trạm 4G, nhưng Metfone đã làm điều đó. Tương tự, Unitel là nhà mạng số 1 tại Lào với mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất, có dịch vụ mạng Internet di động 3G, 4G, 4,5G phủ sóng 100% tỉnh trên toàn quốc, đến tận vùng sâu, vùng xa.

Bây giờ, các trạm 4G tại nơi xa xôi, địa hình hiểm trở đó tiếp tục cùng Metfone và Unitel thực hiện sứ mệnh mới. Với hạ tầng 4G hiện đại nhất, phủ rộng nhất, bao gồm cả công nghệ 4,5G LTE, Metfone và Unitel mới có thể triển khai hàng loạt dự án 4.0 trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh…

Đến nay, Metfone và Unitel là nhà cung cấp viễn thông và công nghệ thông tin duy nhất ở Campuchia và Lào có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho IoT và chuyển đổi số với hạ tầng kết nối truyền dẫn quốc tế lớn nhất thông qua các hệ thống cáp quang biển APG, IA, AAE-1, kết nối đất liền.

Năm 2019, sau khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam thì Viettel đã tiếp tục triển khai thử nghiệm 5G tại Lào, Campuchia, đưa những quốc gia này trở thành những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới.

Động thái này nhằm khẳng định, Việt Nam, Lào, Campuchia có thể đi cùng với thế giới trong việc làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất để tạo ra các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục