Vì sao nói Viettel là biểu tượng của doanh nghiệp Việt đi ra thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
Khi được yêu cầu lựa chọn một tấm gương tiêu biểu cho doanh nghiệp Việt ra thế giới, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài không hề đắn đo mà lập tức trả lời: “Chắc chắn, Viettel là một biểu tượng”.

Vấn đề là người đứng đầu!

Tại sao Viettel bây giờ đầu tư ra khắp cả châu Mỹ, châu Phi, châu Á nhưng vẫn thành công. Viettel đi vào phân khúc bình dân, giá rẻ, nhưng người dân có nhu cầu rất lớn” – GS. Nguyễn Mại nhận định. “Bên cạnh đó, Viettel có chính sách gắn với người dân bản địa, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, bảo trợ xã hội, tạo nên uy tín rất cao cho người Việt Nam nói chung và cho Viettel nói riêng ở những nơi Viettel đầu tư. Vậy nên Viettel thành công”.

“Trước hết, tôi không bao giờ phân biệt giữa nhà nước và kinh tế tư nhân” - Giáo sư Mại nói. Cho đến bây giờ, nhiều người khi nói đến kinh tế tư nhân vẫn nói đến hiệu quả cao và nói đến kinh tế nhà nước là nói đến thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Theo ông, những định kiến đó là hoàn toàn không nên. Viettel là một ví dụ.

Thành công của Viettel ở cả trong nước và tiến ra nước ngoài, theo ông Mại, có những nguyên nhân sâu xa của nó. Ông chia sẻ đã đọc một bài về Viettel được viết bởi ông Phạm Văn Trà (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và thấy rất đúng. Rằng vấn đề không phải là nhà nước hay tư nhân, mà vấn đề là người đứng đầu. Đó là một nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai là Viettel sớm tìm ra hướng đi đúng.

Sau khi khai trương mạng di động được 2 năm, ban lãnh đạo Viettel lúc bấy giờ đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn của ngành này. Nhưng nếu chỉ tập trung vào thị trường viễn thông trong nước thôi thì sẽ không khai thác hết được tiềm năng của con người, cũng như cách làm viễn thông độc đáo của Viettel.

Theo ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel: “Nếu muốn duy trì tăng trưởng liên tục thì phải tạo ra thách thức mới, việc khó mới, qua đó mới đào tạo được nhân lực cho Viettel, cho đất nước. Chỉ có cách là đi ra nước ngoài, chứ không thể chỉ bó hẹp ở Việt Nam”. Và việc chọn đi ra nước ngoài đã tăng cường, phát triển năng lực lõi về làm viễn thông của Viettel cũng như chiến lược khác về trách nhiệm xã hội.

“Hiện bây giờ Viettel không còn chỉ là một Tổng công ty Viễn thông của Quân đội mà còn có những Viện nghiên cứu rất tốt cho Quốc phòng và kinh tế, sản xuất rất nhiều các sản phẩm, kể cả các sản phẩm 5G, mà Việt Nam cũng là một trong vài nước ở châu Á đi vào 5G trong năm 2021 này” – GS Nguyễn Mại đánh giá.

Kiến tạo xã hội số

Về chiến lược, trong giai đoạn 2010-2015, thay vì viễn thông truyền thống, Viettel đã sớm phát triển về công nghệ thông tin bằng cách đưa dịch vụ số vào đời sống như ví điện tử, nội dung trên nền tảng số. Chuẩn bị nền tảng số cho thị trường trong nước ở giai đoạn này, Viettel cũng làm điều tương tự ở các thị trường nước ngoài.

Giai đoạn trước 2016, khi chưa định hình rõ chiến lược chuyển đổi số, Viettel mang đến dịch vụ viễn thông thiết yếu, đóng góp rất nhiều cho nước bạn, xóa nhòa đi khoảng cách công nghệ giữa người giàu và người nghèo, đến vùng nông thôn nâng cao dân trí, cải thiện đời sống xã hội, kinh tế. Đối với các chính phủ, Viettel cũng hỗ trợ công cụ quản lý như cầu truyền hình, Internet trường học….

Sau 10 năm miệt mài mở rộng thị trường ra quốc tế, đến giai đoạn 2016-2021, cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện. Thế giới đang thay đổi chóng mặt, cả về nhận thức, có sự chuyển dịch lớn trong xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị. Tất cả các quốc gia đều không nằm ngoài sự thay đổi đó, và rủi ro thay đổi là rất lớn.

Sau khi phổ cập dịch vụ viễn thông ở Campuchia, Viettel thực hiện sứ mệnh mới “kiến tạo xã hội số” tại đất nước này.
Sau khi phổ cập dịch vụ viễn thông ở Campuchia, Viettel thực hiện sứ mệnh mới “kiến tạo xã hội số” tại đất nước này.

Trong bối cảnh đó, Viettel ở cả trong và ngoài nước đều vừa phải thích ứng công nghệ, thích ứng với xã hội mà còn thích ứng với cách quản lý mới, chưa kể các yếu tố cực đoan khác như thiên tai, dịch bệnh.

Và khi thực hiện chiến lược chuyển đổi số, không giống như giai đoạn trước, Viettel gần như tiến hành song song kiến tạo xã hội số ở Việt Nam cũng như các thị trường quốc tế và cũng đạt được những kết quả tốt.

Những chương trình chuyển đổi số lớn được các công ty con của Viettel thực hiện cho Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Haiti… là những ví dụ điển hình.

Nhận xét về ý nghĩa kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài với “sếu đầu đàn” Viettel, GS. Nguyễn Mại cho rằng: “Nếu chúng ta chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, thì rõ ràng, chúng ta mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đang phát triển. Khi chúng ta bắt đầu đầu tư ra nước ngoài “ra tấm ra món” như Viettel bây giờ, thì rõ ràng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới”.


Theo Tiền Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục