Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới thời kỳ 1929 - 1933, một khoảng thời gian tồi tệ cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Bốn năm không phải là một khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn. Nền kinh tế đã phải trải qua những khó khăn chưa bao giờ được dự báo trước. Suy thoái kinh tế tàn phá thế giới ghê gớm: lạm phát, thất nghiệp, nghèo đói… Tuy nhiên, nền kinh tế sau đó lại phục hồi và phát triển. Sự phát triển của nền kinh tế đã được kiểm chứng theo quy luật hình sin: suy thoái - phục hồi (phát triển) - hưng thịnh - bão hoà (đi ngang); sau đó là một chu kỳ mới.
Như vậy, thời kỳ hiện nay nếu xét theo quy luật phát triển của nền kinh tế thì chu kỳ kinh tế tính từ thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái năm 2007 hiện đang bước sang giai đoạn thứ hai là giai đoạn kinh tế phục hồi và phát triển. Còn nếu nhìn vào thực tế nền kinh tế thế giới thì rõ ràng chúng ta đang nhìn thấy những điểm sáng, những thay đổi tích cực rõ rệt từ những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất như Mỹ đến những quốc gia ít chịu tác động hơn như Việt Nam, từ quốc gia phát triển đến các quốc gia đang phát triển. Sự hồi sinh đang trở lại.
Với những cơ chế hoạt động năng động, những quy định pháp luật chặt chẽ, cũng như khả năng biến đổi và thích nghi cực nhanh nhờ khoa học công nghệ đã và đang giúp cho sự phục hồi kinh tế thế giới được nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Trong thời gian vừa qua, sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu thể hiện điều đó, bởi TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế.
Vào lúc này đây, chúng ta nên nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của nền kinh tế và TTCK hơn là ngồi đó và nhìn nhận vấn đề một cách bi quan.