Sự cố cáp quang: Thiệt hại không thể đo đếm

(ĐTCK-online) 1 km cáp quang biển có giá 13.000 USD (thời điểm năm 1994), nhưng những kẻ cắt trộm chỉ bán được với giá 2.000 - 7.000 đồng/kg theo dạng phế liệu. Hiện nay, con số cáp quang thu hồi chính thức mới khoảng hơn 2.000 tấn, song thiệt hại lớn gấp nhiều lần những con số có thể đo đếm được.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, đã có 98 km cáp quang biển của tuyến cáp TVH bị cắt. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, đã có 98 km cáp quang biển của tuyến cáp TVH bị cắt.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Viễn thông quốc tế (VTI) TP.HCM, hiện nay, trên vùng biển Việt Nam có vài chục đường cáp quang biển đi qua, trong đó có 2 đường cáp quang trực tiếp cập bờ tại Việt Nam là tuyến TVH (xây dựng từ năm 1995) và tuyến SMW3, với tổng dung lượng truyền tải chiếm hơn 80% tổng lưu lượng thông tin của toàn Việt Nam ra quốc tế. Nói cách khác, hai tuyến cáp trên là những tuyến cáp “xương sống”. Tuy nhiên, tuyến TVH đã bị tê liệt từ ngày 24/3/2007, do vậy, tất cả lưu lượng thoại, thông tin, Internet đều đổ dồn vào tuyến còn lại là SMW3 và nếu tuyến cáp này gặp “sự cố” thì Việt Nam sẽ bị “cô lập thông tin” với thế giới bên ngoài.

Theo các báo cáo sơ bộ, việc “khai thác” cáp quang biển không phải mới bắt đầu từ đầu năm nay, mà thực chất đã xuất hiện tại các địa phương ven biển, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... từ những năm đầu thập niên này và bùng phát nghiêm trọng vào những tháng đầu năm 2007. Nguy hại hơn, không chỉ cáp quang trực tiếp đến Việt Nam bị cắt, mà một loạt đường cáp quang quốc tế đi qua vùng biển Việt Nam cũng bị cắt vô tội vạ.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, đã có 98 km cáp quang biển của tuyến cáp TVH bị cắt; các cơ quan chức năng thu giữ 808.252 kg phế liệu, đặc biệt, bộ khuếch đại của tuyến cáp này cũng bị mất cắp. Cũng theo tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại vật chất đã lên đến gần 4 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, đó chỉ là tính toán sơ bộ, trên thực tế, thiệt hại sẽ cao hơn nhiều.

Đó là chưa kể, trong thời đại bùng nổ thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn đều có nhu cầu thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên với công ty mẹ, nên việc tắc nghẽn thông tin dẫn đến những thiệt hại to lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, tuyến cáp quang TVH, ngoài truyền tải thông tin, còn phục vụ truyền tải tín hiệu đường truyền về quản lý không lưu, điều hành các tuyến bay đường không, truyền tải thông tin tài chính - ngân hàng..., nên khi bị đứt thì thiệt hại không thể nào tính toán hết được.

Điều mà Bộ Bưu chính - Viễn thông lo lắng là, công tác khắc phục hậu quả sẽ phải mất tối thiểu 45 ngày nữa mới có thể hoàn thành và việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài, vì Việt Nam không có đội tài chuyên dụng sửa chữa những thiệt hại này.

Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân nào làm “bùng phát” hiện tượng khai thác cáp quang. Về vấn đề này, ông Lai cũng thừa nhận, chuyến làm việc tại 5 tỉnh ven biển vừa qua cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của tuyến cáp quang viễn thông trên biển còn rất mơ hồ. Cả ngư dân lẫn lãnh đạo nhiều tỉnh vẫn có suy nghĩ rằng, trên vùng biển phía Nam tồn tại tuyến cáp của chế độ cũ, nên có thể “khai thác” phế liệu”.

Nguyên nhân thứ hai là sự lơ là của cơ quan quản lý trực tiếp các tuyến này. Theo nghị định của Chính phủ, việc tuần tra, bảo vệ các công trình trên biển thuộc phạm vi trách nhiệm của các đơn vị hải quân, biên phòng...

Rõ ràng, an ninh cho tuyến cáp quang biển còn lại đã trở thành vấn đề uy tín của quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế lẫn nhà đầu tư nước ngoài vốn đang xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Như vậy, bằng mọi giá phải bảo vệ tuyến cáp quang biển. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tuyến cáp quang biển trong cộng đồng ngư dân Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của đội ngũ bảo vệ công trình biển, từ hải quân đến bộ đội biên phòng.

Bảo Giang
Bảo Giang

Tin cùng chuyên mục