Startup Việt thành công: Không chỉ theo dấu chân người khổng lồ

(ĐTCK) Việc học tập các mô hình đã thành công tại nước ngoài là chuyện dễ hiểu và hầu như các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tên tuổi nhất ở Đông Nam Á đều đi theo công thức này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp không chỉ theo dấu chân “người khổng lồ”, mà còn tập trung vào khát vọng trỗi dậy và vươn tầm khu vực.
Startup Việt thành công: Không chỉ theo dấu chân người khổng lồ

Thành công từ học tập mô hình nước ngoài

Startup Việt thành công: Không chỉ theo dấu chân người khổng lồ ảnh 1

 Ông Nguyễn Khôi, CEO WeFit

Trong những ngày đầu tiên của năm 2019, cộng đồng khởi nghiệp (startup) Việt Nam đón nhận tin vui khi WeFit tiếp tục gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A (vòng cấp vốn đầu tiên) từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác vào ngày 9/1/2019.

WeFit là nền tảng ứng dụng di động được thành lập vào cuối năm 2016, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và TP.HCM. Thông qua ứng dụng của WeFit, người dùng có thể tìm kiếm và đặt lịch tại những phòng tập thể dục thể thao, các địa điểm dịch vụ làm đẹp thuận tiện nhất. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các đối tác là phòng tập và dịch vụ làm đẹp có thể tối ưu được chi phí vận hành của mình và gia tăng lợi nhuận thông qua lượng truy cập tới từ WeFit.

Ðây là ứng dụng tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình, được đưa về Việt Nam bởi Nguyễn Khôi - nhà sáng lập và CEO của WeFit. Sinh năm 1991, Khôi là cựu sinh viên Học viện Công nghệ Illinois ngành Computer Engineering. Với những thành tựu đạt được, anh đã lọt vào danh sách Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2018. Hiện trong lĩnh vực này, gần như WeFit không có đối thủ.

Nguyễn Khôi chia sẻ, WeFit được học hỏi từ ClassPass - một mô hình chia sẻ phòng tập thể dục tiên phong thành công của Mỹ. Tuy còn mới mẻ tại Việt Nam, song mô hình này đã khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

CEO trẻ cho rằng, việc học tập các mô hình đã thành công tại nước ngoài là chuyện dễ hiểu bởi giúp giảm bớt rủi ro và hầu như các startup tên tuổi nhất ở Ðông Nam Á đều đi theo công thức này. Nguyên nhân là do thực tế kinh tế, xã hội ở các nước Ðông Nam Á thường đi sau những quốc gia lớn như Mỹ hay Trung Quốc, nên những mô hình học tập quốc tế thường phát huy được tốt tại địa phương do đúng thời điểm và không cần chứng minh lại về nhu cầu. Ngược lại, các ý tưởng, mô hình mới sẽ có lợi thế đi đầu và chịu ít cạnh tranh quốc tế hơn, nhưng tính khả thi thường bị đặt dấu hỏi lớn.

“Nếu xuất phát điểm từ Việt Nam và nhắm vào thị trường thế giới thì việc có ý tưởng mới sẽ có cơ hội lớn hơn. Còn nếu thị trường chính là ở Việt Nam thì việc học tập mô hình thành công ở nước ngoài là an toàn hơn. Tất nhiên, không nên học những doanh nghiệp lớn và đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Thay vào đó, có thể nghiên cứu, học hỏi từ những mô hình chưa thâm nhập vào thị trường trong nước, tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi các ông lớn nước ngoài nhiều tiềm lực tài chính hơn tấn công”, Nguyễn Khôi chia sẻ.

Quả thật, đa phần các startup đang ghi nhận được những thành quả đầu tiên tại thị trường Việt Nam đều có bóng dáng của những mô hình đã thành công từ nước ngoài. Người đưa những mô hình này về tới Việt Nam hầu hết đều có quá trình học tập, sinh sống ở hải ngoại, có nền tảng và được tiếp xúc với những mô hình kinh doanh mới đã có thành tựu tại nơi mình từng sinh sống.

Chẳng hạn, trên chương trình khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam, những ý tưởng nhận được cái gật đầu chấp nhận đầu tư của các “cá mập” đều đến từ những cựu du học sinh như Ðồng hồ Curnon của Quang Thái và Anh Ðức, startup Student Life Care của Ngọc Anh và Tuấn Anh, Abivin của Nam Long và Hoàng Anh…

Khao khát trở thành biểu tượng startup

Startup Việt thành công: Không chỉ theo dấu chân người khổng lồ ảnh 2

 Ông Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay.

Mởi nổi lên gần đây và được ví như “Airbnb Việt Nam”, Luxstay là nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà trong ngắn hạn được ra đời vào cuối năm 2016 bởi Nguyễn Văn Dũng. Sinh năm 1989, Dũng được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Netlink.

Chia sẻ về Luxstay, Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau khi lắng nghe những chia sẻ đầy trăn trở của ông Dzung Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent, hay được biết đến là Shark Dũng, về việc Việt Nam chưa thực sự có một startup nào thành công và mang tính biểu tượng quốc gia như Go-Jek, Traveloka của Indonesia, hay Grab, Sea của Singapore, anh đã bắt đầu ấp ủ kế hoạch thực hiện một điều gì to lớn hơn sau 12 năm kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến.

Từ đó, ý tưởng về một nền tảng kết nối “home-sharing” (chia sẻ nơi ở) được ra đời, với mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp mới, tiên phong và có cơ hội trở thành số một như đã đề ra. Ðây là tiền đề tạo nên Luxstay ngày nay.

Luxstay đã có hơn 3 vòng gọi vốn thành công, tổng số tiền huy động khoảng 6 triệu USD. Hiện Công ty đã có sản phẩm trải dài ở hầu hết các tỉnh thành, địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, đồng thời đang phối hợp với các đối tác chiến lược để mở rộng sản phẩm cung cấp tại nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Ðài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc.

Nền tảng Luxstay ra đời có 2 lợi thế. Ðầu tiên là ngành bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hàng loạt chung cư, biệt thự, nhà ở được xây dựng đáp ứng nhu cầu mua để đầu tư và cho thuê. Lợi thế thứ hai là hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và rời rạc. Do đó, Luxstay ra đời có cơ hội xây dựng một ngành công nghiệp mới, đúng với mục tiêu tiên phong và trở thành số một như Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng.

Chưa kể, dù các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực mạnh nhưng hiện tại Airbnb vẫn chưa chính thức bước chân vào Việt Nam, nên Luxstay còn thời gian và cơ hội để thực hiện chiến lược, kế hoạch của mình.

“Tại Việt Nam, nếu không có một ứng dụng như Luxstay do người Việt tạo lập thì thị trường kết nối chia sẻ chỗ ở qua ứng dụng trên Internet sẽ hoàn toàn về tay các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó cũng sẽ không còn cạnh tranh và nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng”, Dũng nhận định. Anh cũng thừa nhận, Airbnb có thể sẽ là một đối thủ trong tương lai của Luxstay tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, dung lượng thị trường kết nối chia sẻ chỗ ở tại Việt Nam, cũng như dư địa của nó còn rất lớn. Với thị trường này, chỉ dựa vào một nền tảng online như Airbnb không thôi chưa đủ làm nóng và bùng nổ. Hơn nữa, thị trường kết nối chia sẻ chỗ ở có đặc thù địa phương khác nhau vì thế cũng cần có nhà cung cấp dịch vụ chuyên biệt hơn như Luxstay. Mục tiêu của Công ty là tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để đáp ứng mọi yêu cầu về lưu trú của khách hàng. Theo đó, Luxstay không chỉ cho thuê chỗ ở, mà còn giúp khám phá, tạo ra những trải nghiệm mới.

Thực tế, lĩnh vực home-sharing tại Việt Nam đang phát triển nhanh, với sự tham gia của nhiều gương mặt trên thị trường, tuy nhiên, vẫn chưa có “cánh chim đầu đàn” đủ sức lập nền tảng tập trung cho thị trường Việt Nam, cũng như kết nối hệ sinh thái. Nguyễn Văn Dũng cho rằng, để thị trường tăng trưởng bùng nổ, hoặc tạo ra một ngành công nghiệp mới, cần có “người lãnh đạo” dẫn dắt thị trường, tạo tiền đề để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện tại, vị CEO này chưa nghĩ nhiều tới chuyện cạnh tranh gay gắt, mà tập trung nhiều hơn vào việc làm sao giúp hàng nghìn - hàng vạn người kinh doanh, đặc biệt là xu hướng các bạn trẻ tham gia vào thị trường home-sharing để kiếm tiền, mưu sinh hoặc coi đây là công việc chính của mình nhờ vận hành trên nền tảng Luxstay.

“Tại Việt Nam đã có rất nhiều ngành được dẫn dắt bởi các công ty nước ngoài, khi doanh nghiệp ngoại nắm thị phần lớn. Khi đó, sẽ không có nhiều cơ hội cho startup được sinh ra. Tuy nhiên cũng có nhiều sản phẩm do người Việt tạo ra đang phát triển rất tốt như tại lĩnh vực giao đồ ăn có NOW của Foody, hay Zalo trong lĩnh vực truyền thông... Tôi hy vọng rằng, Luxstay có thể nắm giữ được thị phần trong mảng du lịch trực tuyến và đặc biệt là home-sharing. Tham vọng lớn hơn là có thể thành công tại nhiều nước trong khu vực, trở thành một biểu tượng của Việt Nam trong các startup về công nghệ”, Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục