Startup thương mại xã hội On Group thâu tóm nền tảng vận chuyển TopShip

0:00 / 0:00
0:00
Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư startup đang quay trở lại thị trường Việt Nam và xu hướng M&A công nghệ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Đội ngũ sáng lập và điều hành On Group (từ trái sang): Minh Nguyễn, Giám đốc Tài chính, Giang Nguyễn, Giám đốc điều hành và Dũng Lưu, Giám đốc nhân sự. Đội ngũ sáng lập và điều hành On Group (từ trái sang): Minh Nguyễn, Giám đốc Tài chính, Giang Nguyễn, Giám đốc điều hành và Dũng Lưu, Giám đốc nhân sự.

Giá trị thương vụ hiện chưa được tiết lộ. Sau khi sáp nhập, TopShip sẽ đổi tên thành OnShip, gia nhập hệ sinh thái sản phẩm trên ứng dụng ON.

Từ nay, các đối tác bán hàng của ON có thể tìm đến một cổng kết nối vận chuyển duy nhất - OnShip để so sánh giá và thời gian chờ của các đơn vị vận chuyển lớn nhất tại Việt Nam. Việc này giúp tối ưu chi phí vận chuyển lên đến 50%.

Với mạng lưới kết nối gần 15 đối tác giao vận uy tín nhất cả nước, cung cấp giải pháp giao hàng cho hơn 50.000 nhà bán hàng trực tuyến trên toàn quốc, phục vụ hơn 25.000 đơn hàng mỗi ngày, TopShip được đánh giá là mảnh ghép hoàn hảo để hoàn thiện mảng giao vận, phục vụ các đối tác kinh doanh trong hệ sinh thái ON trên cả ba trụ cột nguồn hàng – vận chuyển – tài chính.

Thành lập năm 2021, On Group là start-up công nghệ lĩnh vực thương mại xã hội (social commerce) chuyên cung cấp dịch vụ mua – bán hàng hoá, vận chuyển và tài chính trên nền tảng công nghệ ON.

Theo ông Giang Nguyễn, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành On Group, trước khi đi đến thỏa thuận M&A, On Group là khách hàng của Topship trong một thời gian dài. On Group am hiểu về sản phẩm cũng như mô hình kinh doanh của TopShip.

CEO On Group nhấn mạnh vấn đề vận chuyển luôn là một bài toán nan giải trong ngành thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế, một đơn hàng trị giá 150.000 đồng, nhưng phí vận chuyển có thể lên tới 30.000 - 40.000 đồng, chiếm hơn 25% giá trị đơn hàng.

Việc mua lại TopShip giúp On Group tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực so với tự đầu tư và phát triển đội ngũ nội bộ. Các chuyên gia đánh giá thương vụ M&A này là một trong những bước đi chiến lược, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo của start-up On Group sau khi huy động thành công 1,1 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners và ThinkZone Ventures.

Việc này giúp công ty tăng giá trị, tăng trưởng lượng người dùng, chiếm lĩnh thị phần trong mảng thương mại xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm nhằm tối ưu tối đa lợi ích của khách hàng, đối tác kinh doanh trên nền tảng.

Năm 2021, các công ty khởi nghiệp Việt Nam thu hút hơn 1,4 tỷ USD đầu tư với 165 thương vụ. Tổng số vốn đầu tư và số thương vụ thành công lần lượt đạt mức tăng trưởng 57% và 219% so với năm 2020, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam. Trong đó, thương mại điện tử và công nghệ tài chính (FinTech) vẫn là hai ngành đứng đầu trong việc thu hút dòng vốn. Năm 2022, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam được dự đoán sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD.

Với chiến lược phát triển nhắm đến các thành phố nhỏ, đô thị loại 2, loại 3 và khu vực nông thôn, ON nhanh chóng thu hút được lượng lớn người dùng, đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Hiện, ON sở hữu cộng đồng hơn 1,4 triệu người quan tâm, thu hút hơn 52.000 đối tác bán hàng, sở hữu nguồn hàng hơn 20.000 sản phẩm chính hãng. Thông qua ứng dụng ON, trung bình mỗi đối tác bán hàng có thể kiếm thêm khoản thu nhập 7 triệu đồng mỗi tháng.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư start-up đang quay trở lại thị trường Việt Nam và xu hướng M&A công nghệ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ngoài ra hệ sinh thái start-up Việt Nam cũng chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mới xuất hiện trong lĩnh vực thương mại xã hội của Việt Nam. Một số các công ty khởi nghiệp lĩnh vực này đã huy động thành công gần 14 triệu USD trong nửa đầu năm 2022.

Giám đốc điều hành On Group nhận định trong 5 năm tới, thương mại xã hội sẽ trở thành xu hướng mua sắm chính của người tiêu dùng tại Việt Nam. Một báo cáo mới đây của Facebook và Bain & Company cũng cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia có lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa ước tính là 56 tỷ USD, tăng 11,8 tỷ USD so với năm 2020.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục