Ông Kiệt Phạm sẽ là Phó chủ tịch kiêm giám đốc quốc gia Zoomcar tại Việt Nam. Ông Kiệt cũng từng đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại Gojek, OYO và Nielsen.
Trước đó, ông Kiệt làm việc tại ExxonMobil (Singapore), HTWine, Decathlon International,…sau khi tốt nghiệp bậc cử nhân kỹ sư hoá học tại đại học Quốc gia Singapore và bậc Thạc sỹ quản trị kinh doanh cao cấp tại RMIT Việt Nam.
Ông Kiệt Phạm sẽ là người phụ trách hoạt động của Zoomcar tại Việt Nam (Ảnh: Linkedin nhân vật). |
Về Zoomcar, startup này được thành lập từ năm 2013 với hai đồng sáng lập người Mỹ là Greg Maron và David Back, khi muốn đáp ứng nhu cầu của những người trẻ không muốn (không thể) sở hữu một chiếc ô tô bởi việc bảo trì phức tạp, chi phí liên quan quá cao,…
Zoomcar kiếm tiền thông qua hai hoạt động gồm cho thuê ô tô và 'chia sẻ' ô tô.
Theo đó, nó cho thuê xe ô tô trong nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí cả tháng với thủ tục đơn giản. Người thuê trả một khoản tiền phí cùng với một khoản đặt cọc và bắt đầu chuyến đi của mình.
Zoomcar cũng đã liên kết với các nhà sản xuất ô tô như Tata, Mahindra và Ford để cho Zoomcar thuê xe có thời hạn. Xe điện REVA E20 của Mahindra đã trở thành chiếc EV đầu tiên được cập nhật trên một nền tảng cho thuê xe hơi này.
Ngoài ra, Zoomcar còn thuê ô tô từ các công ty cho thuê khác ở nội địa để đáp ứng các yêu cầu.
Được đánh giá là một trong những công ty hàng đầu trong thị trường chia sẻ xe hơi của Ấn Độ, Zoomcar "sở hữu" hơn 7.000 chiếc xe trên nền tảng và hiện diện trên 5 quốc gia.
Các nhà đầu tư đã góp vốn vào Zoomcar gồm có Sequoia Capital, ông Lawrence Henry Summers- cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Hoa Kỳ, Mahindra & Mahindra Ltd., Ford Motor Company,...
Startup này cũng chuẩn bị IPO tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) với "bà đỡ" là Sequoia Capital.
Ông Greg Maron (bên trái) và ông David Back- hai nhà sáng lập Zoomcar (Nguồn: Quartz India). |
Zoomcar tự tin họ đang dẫn đầu mảng cho thuê xe ở Ấn Độ. Theo Marketfeed, Zoomcar chiếm 75% thị trường cho thuê xe hơi ở quốc gia có số dân đông thứ hai thế giới.
Đồng thời, startup này dự tính đầu tư 100 triệu USD trong 2-3 năm tới vào Đông Nam Á- khu vực được kỳ vọng sẽ đóng góp 40% trong tổng doanh thu (tương đương khoảng 80 triệu USD).
Đến nay, Zoomcar vẫn chưa có lãi. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, lỗ ròng của startup này tại Ấn Độ là hơn 57 triệu USD trong khi năm liền kề trước đó là 27 triệu USD.