Starbucks đụng phải đối thủ rắn mặt ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đặt cược vào xu hướng người dân nước này sẽ tiêu dùng thức uống nội hơn là sản phẩm của Starbucks, theo kênh truyền hình CNBC.
Trung Quốc là thị trường phát triển nhanh nhất và cũng là thị trường lớn nhất của Starbucks bên ngoài Mỹ. Trung Quốc là thị trường phát triển nhanh nhất và cũng là thị trường lớn nhất của Starbucks bên ngoài Mỹ.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 công bố hôm 27/4, chuỗi cà phê khổng lồ Mỹ Starbucks ghi nhận doanh số quý I của các cửa hàng tại Trung Quốc tăng 91% so với mức tăng trưởng âm trong cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả này vẫn thấp hơn kỳ vọng. Theo lý giải Starbucks, nguyên nhân chính là do các biện pháp hạn chế đi lại mà Trung Quốc áp dụng thời Covid-19.

Bất luận Covid-19, thị trường đồ uống Trung Quốc vẫn nóng lên bởi các nhà đầu tư trong nước đặt nhiều niềm tin vào xu hướng người dân sẽ ưu tiên sử dụng những thức uống "cây nhà lá vườn" hơn đồ ngoại như Starbucks.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Công ty dữ liệu kinh doanh Qimingpian có trụ sở tại Bắc Kinh ghi nhận 14 thương vụ gọi vốn trên thị trường đồ uống từ trà và cà phê tại Trung Quốc. Con số này bằng tổng số thương vụ tương tự tại Trung Quốc trong cả năm 2019 và chỉ kém con số 19 thương vụ của năm 2020.

Đáng chú ý, dòng tiền chảy mạnh vào hai công ty thức uống có nguồn gốc từ trà gồm Hey Tea và Nayuki. Cả hai công ty này đều được định giá khoảng 2 tỷ USD trong vài tháng qua. Trong khi đó, các thương hiệu đồ uống "ngoại" như illycaffe và Tim Hortons cũng đang ra sức gọi vốn cho các liên doanh của mình tại Trung Quốc.

Hiện số liệu chính xác các khoản đầu tư đổ vào các công ty kinh doanh thức uống tại Trung Quốc do nhiều thương vụ được thực hiện theo hình thức riêng. Tuy nhiên, các nguồn dữ liệu tổng hợp đều cho thấy sự tăng trưởng đáng kể ở dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành đồ uống.

Tháng 12/2020, trang tin tức kinh doanh 36kr của Trung Quốc đăng tải thông tin Manner Coffee có trụ sở tại Thượng Hải đã nhận được khoản đầu tư lớn sau một vòng gọi vốn, đẩy giá trị công ty này lên hơn 1 tỷ USD. Manner Coffee hiện chủ yếu kinh doanh đồ uống tại các địa điểm bán hàng quy mô nhỏ và mang về ở các khu vực nội đô.

"Sự gia nhập của các đối thủ mới vào thị trường đồ uống cà phê Trung Quốc" là một trong những rủi ro kinh doanh mà Starbucks xác định trong báo cáo thường niên nộp hồi tháng 11/2020. Starbucks hiện toàn quyền sở hữu các cửa hàng ở Trung Quốc. Hình thức sở này này giúp chuỗi cà phê Mỹ ẵm miếng bánh lợi nhuận lớn nhưng cũng đầy rủi ro khi hoạt động ở một thị trường rộng lớn như Trung Quốc.

Quảng Châu và Thâm Quyến mọc lên hàng ngàn cửa hàng đồ uống cà phê trong 5 năm qua, theo dữ liệu tổng hợp của "đế chế" giao hàng Meituan. Meituan cho biết, Thượng Hải vẫn là thị trường đồ uống cà phê lớn nhất tại Trung Quốc, với tỷ lệ gần 3 cửa hàng/10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Quảng Châu, Thâm Quyến, và Bắc Kinh là 2 cửa hàng/10.000 dân.

Theo số liệu năm 2020 của Euromonitor, Starbucks vẫn dẫn đầu trong thị trường chuỗi cà phê và đồ uống từ trà tại Trung Quốc với 36,4% thị phần.

Còn theo số liệu ngành được Meituan trích dẫn, thị trường đồ uống từ trà tại Trung Quốc lớn gấp đôi thị trường cà phê và khoảng cách này được dự báo sẽ còn phình to trong năm nay. "Đế chế" giao hàng Meituan cho biết số lượng cửa hàng trà sữa và nước hoa quả tại Trung Quốc sẽ lớn gấp khoảng 4 lần số lượng cửa hàng cà phê.

Hey Tea hiện giữ ngôi vị thứ hai trên thị trường chuỗi cà phê và đồ uống từ trà tại Trung Quốc, chỉ sau Starbucks, với 8,8% thị phần, theo Euromonitor.

Công ty này được định vị rõ ở phân khúc đồ uống từ trà đi kèm với một lớp kem xốp giống pho mát bên trên. Hey Tea cũng đang tính đường ra thị trường toàn cầu, với 1,1% thị phần trên toàn thế giới, Euromonitor cho biết.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục