Đến cuối năm 2024, Standard Chartered cam kết sẽ cung cấp nguồn vốn 75 tỷ USD cho các dự án đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (40 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển bền vững và 35 tỷ USD cho các dự án công nghệ sạch và năng lương tái tạo). Đồng thời, Ngân hàng cũng cam kết loại bỏ hoàn toàn phát thải carbon từ hoạt động vận hành vào năm 2030.
Với mạng lưới hoạt động trên 60 thị trường, trong đó có nhiều thị trường mới nổi quy mô lớn, Ngân hàng sẽ thực hiện mục tiêu loại bỏ hoàn toàn phát thải carbon bằng cách sử dụng những dụng nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời, tiếp tục áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trên hơn 1,1 triệu m2 tổng diện tích văn phòng trên toàn cầu.
Bà Tracey McDermott, Giám đốc Đối ngoại, Marketing và Thương hiệu, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, trong vòng 18 tháng qua, chúng tôi đã đưa ra một loạt các cam kết nhằm góp phần vào quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và chuyển dịch sang một nền kinh tế xanh, sạch, và công bằng hơn.
Theo bà Tracey McDermott, nguồn vốn từ các chính phủ và tổ chức phi chính phủ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tài chính cần cho đầu tư, do đó việc huy động sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cho quá trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững là vô cùng cần thiết.
“Với mạng lưới quốc tế rộng khắp, Standard Chartered ở một vị thế thuận lợi để thu xếp nguồn vốn cho những lĩnh vực có nhu cầu lớn và mang lại hiệu quả cao nhất. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra mục tiêu mới về tài trợ và thu xếp tài chính trị giá 35 tỷ USD cho công nghệ sạch và năng lượng tái tạo và 40 tỷ USD cho hạ tầng bền vững, bên cạnh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các khách hàng có tỷ trọng lợi nhuận từ than nhiệt đạt trên 10% vào năm 2030", bà Tracey McDermott nói.
Bên cạnh đó, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, mặc dù đã đạt được những bước tiến rõ rệt trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhưng Việt Nam vẫn cần những khoản đầu tư lớn, đặc biệt cho Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: Nước sạch và vệ sinh và Mục tiêu Phát triển Bền vững 9: Công nghiệp, Sáng tạo và Hạ tầng.
"Theo ước tính của chúng tôi, Việt Nam sẽ cần 111,1 tỷ USD cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030, trong đó cơ hội dành cho khối tư nhân là 45,8 tỷ USD. Dựa trên năng lực toàn cầu và hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn tài chính bền vững”, ông Nirukt Sapru chia sẻ.