Hôm thứ Năm (19/5), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe cho biết, nhà hoạch định chính sách đã tuyên bố với các chủ nợ rằng quốc gia này sẽ không thể thanh toán cho đến khi khoản nợ được tái cơ cấu và do đó sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Các khoản thanh toán lãi trái phiếu trị giá 78 triệu USD ban đầu đến hạn vào ngày 18/4 với thời gian ân hạn 30 ngày đã hết hạn vào ngày 18/5.
Sri Lanka rơi vào tình trạng hỗn loạn trong bối cảnh lạm phát gia tăng mà Thống đốc Weerasinghe dự báo sẽ tăng lên 40% trong những tháng tới khi đồng nội tệ giảm mạnh và cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đất nước này thiếu ngân sách cần thiết để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu. Sự tức giận của công chúng đã bùng lên thành các cuộc phản đối bạo lực và khiến chính phủ vào tháng trước tuyên bố sẽ tạm dừng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 12,6 tỷ USD để bảo toàn tiền mặt cho các mặt hàng thiết yếu.
Điều này đánh dấu lần vỡ nợ quốc gia đầu tiên của quốc gia kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Trái phiếu của nước này cũng nằm trong số những trái phiếu hoạt động kém nhất trên thế giới trong năm nay.
Bên cạnh đó, trái phiếu của Sri Lanka có điều khoản vỡ nợ chéo, điều này kéo tất cả các khoản nợ bằng đồng đô la chưa thanh toán vào tình trạng vỡ nợ nếu có một khoản thanh toán bị bỏ lỡ trong một trái phiếu duy nhất. Đối với khoản nợ đến hạn vào năm 2023 và 2028, điều khoản được kích hoạt nếu bất kỳ khoản thanh toán nào vượt quá 25 triệu USD không được thực hiện. Quốc gia này đã được xếp hạng vỡ nợ có chọn lọc bởi S&P Global Ratings vào cuối tháng 4.
Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin một gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Trước đó, nước này cho biết họ cần từ 3 - 4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi khủng hoảng.
Thị trường tín dụng toàn cầu thắt chặt hơn do nhiều yếu tố - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chi phí hàng hóa tăng cao, căng thẳng ở Ukraine - đã có tác động tàn khốc đối với quốc gia thu nhập thấp, vốn là nhà phát hành trái phiếu đô la Mỹ lớn nhất ở châu Á. Và tất cả những điều đó sau đại dịch đã làm giảm hơn 75% nguồn thu từ ngành du lịch.
Hôm thứ Tư (17/5), JPMorgan đã chuyển sang tăng tỷ trọng trái phiếu bằng đồng đô la của Sri Lanka với dự báo các sự kiện gần đây hướng đến sự ổn định chính trị, có thể mở đường cho các cuộc thảo luận với IMF và các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.
Thống đốc Weerasinghe cho biết, việc tái cấu trúc có thể mất khoảng sáu tháng mặc dù tình hình khiến việc dự đoán chính xác các mốc thời gian trở nên khó khăn. Ông nói thêm rằng các khuyến nghị cho các cố vấn pháp lý cho việc tái cơ cấu sẽ sớm được đưa ra trước nội các.
Trái phiếu của Sri Lanka đã biến động trái chiều vào thứ Năm (19/5) nhưng cao hơn mức thấp kỷ lục đạt được vào tuần trước và điều này cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng giá sẽ phục hồi tốt hơn.
“Vỡ nợ không phải là dấu chấm hết, chúng có thể báo hiệu một sự khởi đầu mới. Bây giờ công việc khó khăn mới bắt đầu”, Guido Chamorro, đồng Giám đốc nợ bằng ngoại tệ của thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management cho biết.