S&P: Các ngân hàng Trung Âu có thể vượt qua được sự hỗn loạn của ngành ô tô

(ĐTCK) Hôm thứ Ba (14/1), S&P Global cho biết tình trạng hỗn loạn đối với ngành ô tô của châu Âu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Âu và gây tổn hại đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Các nhà sản xuất ô tô trên khắp châu Âu đã thông báo đóng cửa nhà máy và sa thải hàng loạt khi phải đối mặt với nhu cầu suy yếu, chi phí cao, sự cạnh tranh từ Trung Quốc và quá trình chuyển đổi sang xe điện chậm hơn dự kiến.

Theo S&P, ngành ô tô là trụ cột của tăng trưởng kinh tế Trung Âu khi chiếm từ 5% đến 10% tổng sản phẩm quốc nội và 5% việc làm của khu vực.

"Mặc dù mức độ tiếp xúc tín dụng trực tiếp của các ngân hàng khu vực với ngành ô tô tương đối thấp, ở mức khoảng 3%-5% tổng số các khoản vay doanh nghiệp, nhưng một sự suy thoái đáng kể có thể làm suy yếu nền kinh tế của khu vực và chất lượng tài sản của các ngân hàng", S&P cho biết.

Mặc dù các nhà sản xuất ô tô lớn đã đa dạng hóa nguồn tài trợ sang thị trường vốn, nhưng những cú sốc trong ngành vẫn có thể dẫn đến những tác động lan tỏa đáng kể.

S&P cho biết nguy cơ từ thuế quan của Mỹ đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu, các quy định chặt chẽ hơn về khí thải tại Liên minh châu Âu từ năm 2025 và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể đặt ra thêm những thách thức.

"Trong khi ngành công nghiệp ô tô tiếp tục căng thẳng có thể dẫn đến thêm tổn thất tín dụng - chủ yếu là do tác động lan tỏa tiềm ẩn sang các nhà cung cấp - chúng tôi tin rằng lợi nhuận và mức vốn của các ngân hàng đủ mạnh để hấp thụ cú sốc tài chính", báo cáo cho biết.

Ngoài ra, báo sự gián đoạn đối với thương mại toàn cầu và sự chuyển dịch sang xe điện có thể tạo ra cơ hội cho một số quốc gia - chẳng hạn như Hungary hoặc Serbia - trong bối cảnh các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang tích cực theo sát các khoản đầu tư và cơ hội trong khu vực.

Dưới thời Thủ tướng Viktor Orban, Hungary đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Trung Quốc, trái ngược với một số quốc gia EU khác đang cân nhắc việc ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã thành lập một ngân hàng tại Áo vào năm 2019 và họ hoạt động trên khắp khu vực Trung Âu và Đông Âu, giống như các ngân hàng Trung Quốc khác có chi nhánh trong khu vực", nhà phân tích Cihan Duran của S&P cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục