Một năm về tay Indo Trần
Đã tròn một năm kể từ thương vụ Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) nâng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans lên gần 97% hồi tháng 8/2020.
Sau thay đổi đó, kết quả kinh doanh của Sotrans đã ghi nhận sự bứt phá mạnh trong năm nay. Theo báo cáo tài chính công bố, Sotrans thu về 761 tỷ đồng doanh thu riêng quý II/2021, gấp 1,8 lần cùng kỳ năm trước và 1.348 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 61%.
Doanh thu tăng nhanh, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp lại hụt đáng kể, nhất là ở mảng kinh doanh chính là kho vận và giao nhận vận tải.
Việc chấp nhận bán đi tài sản cũ và những hy sinh của cổ đông ở thời điểm hiện tại có mang về “quả ngọt” hay không vẫn đang là ẩn số.
Nhờ mức tăng trưởng đột biến của doanh thu cùng việc không còn phải ghi nhận khoản lỗ lớn từ thanh lý khoản đầu tư vốn góp tại Công ty cổ phần MHC, Sotrans đã thu về 111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm. Con số này gấp 2,55 lần cùng kỳ và hoàn thành 63% mục tiêu cả năm nay.
Sotrans nắm trong tay hệ thống kho hơn 23 ha đặt tại nhiều tỉnh, thành phố, cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ, trong đó quan trọng nhất là tuyến vận chuyển Bắc - Nam. Đồng thời, Công ty sở hữu 93,17% vốn của Vietranstimex - công ty tốp đầu về vận tải hàng siêu trường, siêu trọng và 93,34% vốn của Sowatco - công ty dẫn đầu trong các tuyến đường thủy nội địa miền Nam.
Kết quả kinh doanh tại hai công ty con này cũng chính là yếu tố làm nên cú bật về kết quả kinh doanh hợp nhất của Sotrans. Trong đó, dù tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ đi ngang, song việc mở rộng quy mô doanh thu đã giúp Sowatco thu hơn 111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm.
Thực tế, không riêng Sotrans, các doanh nghiệp ngành giao nhận và kinh doanh kho bãi phần lớn đều vừa bước qua một quý kinh doanh bận rộn. Tình trạng ùn ứ tại các cảng và kho bãi tăng lên vì giãn cách xã hội. Số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp mới đây cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến ngày 15/8 đạt 399,27 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính sách cổ tức 0 đồng
Tập đoàn ITL đã đầu tư vào Sotrans từ tháng 9/2015. Đến cuối năm 2016, khi ITL nắm giữ gần 18% vốn, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã nhanh chóng trở thành cổ đông lớn tại Sotrans, chiếm tỷ lệ sở hữu gần 25% vốn. Một cuộc chạy đua mua gom cổ phần diễn ra tiếp đó. Sau gần 5 năm, khi cổ đông Gelex thoái lui và bán lại cổ phần, ITL đã trở thành công ty mẹ của Sotrans và nắm số cổ phần gần như tuyệt đối.
Không có sự thay đổi quá lớn về nhân sự, bởi từ trước khi thương vụ được thực hiện, ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của Sotrans. Tuy nhiên, đã có một số sự thay đổi rõ ràng về chính sách đầu tư và cổ tức tại Sotrans và cả hai công ty con đang niêm yết.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021, cả Sotrans, Sowatco và Vietranstimex đều trình kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 ở tỷ lệ 0%, dù kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đều cao hơn năm trước.
Ông Đặng Doãn Kiên, Chủ tịch HĐQT Sowatco cho biết, việc giữ lại cổ tức để tập trung dòng tiền đầu tư Cảng Long Bình.
Tương tự, Vietranstimex dành toàn bộ nguồn tiền để mua cần cẩu và trang thiết bị cho mảng điện gió, nhằm đáp ứng việc triển khai nhiều hợp đồng trong cùng một thời điểm.
Sotrans cũng hé lộ nhiều kế hoạch đầu tư. Trong kế hoạch chiến lược 4 năm 2021-2024, Sotrans dự kiến đầu tư 1 triệu USD/năm để nâng cấp công nghệ. Ngoài ra, những hướng chính khác của Sotrans là đầu tư vào kinh doanh cốt lõi, nền tảng hạ tầng logistics (cảng, bãi, kho…) và đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Để dồn nguồn lực cho đầu tư, nhóm công ty này đã và đang mạnh tay bán đi các tài sản. Hồi tháng 5-6/2020, Sotrans đã bán hơn 9 triệu cổ phiếu MHC ở vùng giá đáy, khiến Công ty phải ghi nhận khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng. Tại Vietranstimex, công ty này đã chuyển nhượng trang thiết bị vận tải hàng thường để tập trung cho hàng siêu trường, siêu trọng.
Thực tế, hoạt động đầu tư đã được đẩy mạnh, nhất là vào phương tiện vận tải ở Vietranstimex. Tuy nhiên, việc chấp nhận bán đi tài sản cũ và những hy sinh của cổ đông ở thời điểm hiện tại có mang về “quả ngọt” hay không vẫn đang là ẩn số.