Sốt sắng tìm hiểu, thận trọng quyết định đầu tư vào Việt Nam

(ĐTCK) Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những diễn tiến khó lường, dòng vốn đầu tư và thương mại vào Việt Nam bắt đầu có nhiều thay đổi, ông Frederick Burke, Tổng giám đốc Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam đã đưa ra một góc nhìn khác về việc các tập đoàn lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến này.
Sốt sắng tìm hiểu, thận trọng quyết định đầu tư vào Việt Nam

Ông có ghi nhận thông tin gì từ nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra?

Trong những tháng gần đây, tôi đã tiếp đón nhiều đoàn doanh nghiệp từ Trung Quốc sốt sắng sang Việt Nam để thúc đẩy việc mở nhà máy, chuyển dịch sản xuất thật nhanh nhằm “né” thuế 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp lên hàng Trung Quốc.

Vì sao họ chọn Việt Nam? Thứ nhất, Việt Nam đang từng bước nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không còn đơn thuần là địa chỉ gia công hàng may mặc, quần áo cho thế giới.

Thực tế, giá cả gia công ở Việt Nam đã tăng lên nên các nhà đầu tư tại đây đang hướng đến những hình thức mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn, chẳng hạn xây dựng chuỗi cung ứng, hợp tác với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Thứ hai, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường. Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm này thông qua việc tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 4.0 tại Hà Nội, thảo luận việc đào tạo nhân lực cho thời kì 4.0, cách sử dụng hiệu quả robot, máy móc trong ngành sản xuất và dịch vụ.  

Theo quan điểm của tôi, việc các doanh nghiệp sốt sắng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam là điều rất đáng mừng, ít nhất là trong ngắn hạn. 

Như vậy, theo ông, có thể kỳ vọng một sự bùng nổ về thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới hay không?

Tôi đã đưa hai lời khuyên với nhà đầu tư rằng,nếu muốn chuyển đầu tư sang Việt Nam nhằm “né” thuế, cần tìm hiểu kỹ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các hiệp định thương mại liên quan.

Ông Frederick Burke, Tổng giám đốc Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam. 

Chúng tôi đã thấy trường hợp tủ sắt xuất xứ Việt Nam, nhưng vẫn bị đánh thuế vào Mỹ vì một trong số các thành phần có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại NAFTA sửa đổi vừa qua giữa Mỹ, Canada và Mexico có đến 234 trang quy định rất chi tiết về nguồn gốc sản phẩm.

Điều này chẳng khác nào đánh đố các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng đặt ở nhiều quốc gia, với nhiều hiệp định thương mại khác nhau. Vấn đề này cũng khiến các nhà sản xuất ngần ngại trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Thứ hai, nhà đầu tư không nên “hăm hở” vào Việt Nam chỉ vì nhân công rẻ hay “né” thuế quan, mà nên tính đến nhiều yếu tố dài hạn hơn như sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, kết hợp với đối tác Việt. 

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chia sẻ, họ chọn phương án “án binh bất động”, vì biết việc chuyển dịch cả dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng sang một quốc gia mới là điều rất tốn kém và mất thời gian. Chiến tranh thương mại khó lường trước được diễn tiến lẫn kết quả, khiến không ít nhà đầu tư tặc lưỡi “chờ xem tình hình rồi tính tiếp”.  

Một điều đáng lưu ý nữa là Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn với Mỹ (khoảng 34 triệu USD vào năm 2017), nên tồn tại rủi ro là chính quyền Tổng thống Trump sẽ chuyển sang “dò xét” Việt Nam nếu con số này tăng nhanh. 

Vậy ông nhận thấy hiện tại, Việt Nam đang có những cơ hội lớn nào?

Tôi nhận thấy một số nền kinh tế như Đài Loan và Anh đang suy tính đến chuyện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặc biệt là khi Anh chuẩn bị tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và phải xúc tiến việc tìm kiếm thị trường mới. Nếu điều này thành sự thật, Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng công nghiệp của mình sang Anh.

Trước đây, Anh thường nhập mặt hàng này từ Đông Âu, nhưng sau sự kiện Brexit, có khả năng họ sẽ quay sang nhập hàng Việt Nam. Đương nhiên, vấn đề nguồn gốc sản phẩm vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, các hiệp định khác như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cũng đang được xúc tiến bởi các bên tham gia. Vừa qua, công ty chúng tôi đã cử một đoàn luật sư sang châu Âu để giúp đẩy nhanh tốc độ kí kết Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), vì chúng tôi tin rằng, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam cải thiện tính cạnh tranh đáng kể.

Theo quan điểm riêng của tôi và kinh nghiệm làm việc gần 30 năm tại Việt Nam, Việt Nam nên xúc tiến các hiệp định thương mại đa phương như RCEP hay EVFTA, thay vì song phương vì hiệp định song phương không thể có tầm ảnh hưởng sâu rộng bằng đa phương và cũng mang đến ít ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất ô tô cần đến 1.000 linh kiện từ hơn 10 quốc gia khác nhau, từ đó, việc kí hiệp định thương mại đa phương sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Hơn nữa, hiệp định thương mại đa phương là “chất xúc tác” quan trọng để Việt Nam cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh, nâng cao tính minh bạch và độ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Việc đồng bộ trong cơ chế của một hiệp định đa phương cũng giúp Việt Nam dễ xác định mức chuẩn mới dễ dàng hơn, không gặp tình trạng “cọc cạch” giữa đối tác này và đối tác kia.

Nam Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục