Sốt ruột trước tình trạng nhũng nhiễu

0:00 / 0:00
0:00
Nhận định việc lợi dụng kẽ hở của chính sách để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị phải ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Ủy ban Tư pháp họp thường trực mở rộng để thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ. Ảnh: Duy Linh Ủy ban Tư pháp họp thường trực mở rộng để thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ. Ảnh: Duy Linh

Diễn ra đã nhiều năm

Sáng 20/9, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp thứ ba.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội".

Đây cũng là nhận định rất gần với báo cáo tháng 10/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội: "Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng ‘tham nhũng vặt’, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi".

Những năm gần đây, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi cũng chưa khi nào vắng bóng tại báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020, Tổng thanh tra Chính phủ (nay là Phó thủ tướng) Lê Minh Khái đã nhận được chất vấn về trách nhiệm để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Khi đó, ông Khái nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức quan trọng được Đảng, nhân dân rất quan tâm, đồng thời cho biết, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Sau đó, Thanh tra Chính phủ tham mưu Thủ tướng có Công điện 724/CĐ-TTg để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Ông Khái khẳng định, 2 văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức thực hiện công vụ.

Năm nay, tại báo cáo thẩm tra sơ bộ hoàn thành ngày 8/9/2021, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm. Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực.

"Đáng lưu ý là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi; hiện tượng người dân phải ‘lót tay’ trong giải quyết công việc… diễn ra đã nhiều năm, nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả", Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra dẫn ra 2 ví dụ.

Thứ nhất, theo SIPAS 2020 (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020) được công bố cuối tháng 6/2021, tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh, thành phố; 48/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí (tăng 2 tỉnh so với năm 2019). Tỷ lệ người dân chỉ phải đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%, phải đi lại 2 lần là 55,71%, phải đi lại 3 lần là 9,64%...

Thứ hai, kết quả PAPI 2020 (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) cho thấy, tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu trong năm 2020 còn tương đối phổ biến; hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước, “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, một số doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều cuộc trong năm; còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp. Theo Par Index 2020 (Chỉ số cải cách hành chính), tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp là 14,3%.

Cải thiện tính minh bạch của chính sách

Sốt ruột trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm vụ lợi diễn ra đã nhiều năm, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ thời gian tới cần xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này.

Từ góc nhìn của doanh nhân, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền chia sẻ: "Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, nhiều đại biểu phát biểu rất tâm huyết về chống tham nhũng chính sách. Theo tôi, để chống phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thì loại bỏ những quy định pháp luật có tính cục bộ, dẫn đến tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm... chính là gốc của vấn đề. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, nếu bộ, ngành nào mà người dân, doanh nghiệp phản ánh còn gây khó khăn cho họ, thì đương nhiên có trách nhiệm của người đứng đầu, những người được Quốc hội phê chuẩn".

Dẫn kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu rõ, gần 45% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả các chi phí không chính thức, 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn, 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện.

“Nhiều năm liền, tính minh bạch của chính sách ít được cải thiện. Những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy định pháp luật, thông tin về thuế thì dễ tiếp cận, nhưng thông tin về quy hoạch, kế hoạch, thông tin liên quan đến đất đai, đấu thầu, thì tốc độ cải thiện còn chậm”, ông Tuấn khái quát.

Giải pháp để tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp bớt nhức nhối trong mỗi báo cáo gửi Quốc hội hàng năm, quan trọng nhất, theo ông Tuấn, vẫn là chất lượng các quy định của pháp luật sao cho rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo, xung đột, ít xin - cho. Khi người dân và doanh nghiệp càng biết rõ quyền của mình, thì cán bộ, công chức có ý đồ trục lợi càng ít cơ hội nhũng nhiễu.

Thường xuyên nhận được phản ánh, thậm chí là cả văn bản "kêu cứu" của doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh việc phải có cơ chế giám sát độc lập thực hiện thủ tục hành chính và cơ chế tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp nữa, theo ông Đậu Anh Tuấn, là ứng dụng công nghệ thông tin để giảm tiếp xúc giữa người dân và quan chức, tự động và chuyên nghiệp trong thực hiện các thủ tục.

Liên quan việc hoàn thiện thể chế, chính sách, xác định công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, mới đây, Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”), để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Đối tượng chỉ đạo phòng, chống tiêu cực được Bộ Chính trị xác định là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo phòng, chống tiêu cực.

Đây là việc làm tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhiều tổ mối nhỏ có thể làm vỡ con đê lớn

Tháng 8/2019, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đó là Phó thủ tướng, đã từng trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về giải pháp đột phá để chống tham nhũng vặt.

Khi đó, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân và làm tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân. Việc này liên quan đến quan hệ đạo đức công vụ của công chức, viên chức.

Theo ông, tham nhũng vặt, nhưng tác hại của nó không vặt, nên người ta vẫn nói: những con đê lớn có thể vỡ bất cứ lúc nào vì những tổ mối rất nhỏ. Trong các giải pháp, theo Chủ tịch Quốc hội, đầu tiên phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục