Lời Tòa soạn: Từ năm 2014, khi chính quyền TP.HCM “trải thảm đỏ”, cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lịch sử, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã đổ tiền túi đầu tư gây dựng, đưa du khách về đây, tạo thành tour du lịch độc đáo nhất nhì TP.HCM. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan quản lý lại thay đổi quan điểm, đẩy doanh nghiệp vào thế bĩ cực, sau khi vừa mới trải qua “cơn bão” Covid-19.
Bài 1: Cho thuyền chạy, nhưng… đóng bến
Phải đóng cửa 2 năm vì đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn xin gia hạn giấy phép để tiếp tục mở lại hoạt động du lịch. Oái oăm là, cơ quan chức năng cho thuyền chạy, nhưng lại… tạm đóng bến.
Được “trải thảm đỏ”
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nơi diễn ra nhiều trận đánh nảy lửa trong chiến tranh từ thời Pháp, là dòng kênh gắn liền với sự phát triển của TP.HCM. Đây cũng là dòng kênh nổi tiếng… ô nhiễm và được hồi sinh nhờ bàn tay con người sau hơn 10 năm cải tạo.
Người được mệnh danh là “ông bầu” của “hoa hậu Nhiêu Lộc - Thị Nghè” là ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn. Là một người nổi tiếng trong giới kinh doanh du lịch tại TP.HCM, từng được lãnh đạo TP.HCM “trải thảm đỏ”, nhưng giờ đây, ông Phan Xuân Anh đang phải kêu cứu.
Thẫn thờ trên bến thuyền hoang lạnh, đưa cho chúng tôi xem toàn bộ hồ sơ chứng lý, ông Phan Xuân Anh cho biết, từ năm 2014, chính quyền TP.HCM có kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội đô, với hàng chục cuộc khảo sát, “trải thảm đỏ” kêu gọi doanh nghiệp đầu tư du lịch trên kênh rạch nói riêng và đường thủy nói chung.
Tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ tháng 11/2018 trở về trước, các công trình xây dựng tại bến thuyền du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM quản lý.
Từ sau tháng 11/2018, chức năng quản lý các công trình này được chuyển cho Sở Xây dựng TP.HCM; thẩm quyền xem xét, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng công trình thuộc Sở Xây dựng TP.HCM.
“Lúc này, tôi đã thành đạt trong ngành tàu biển và du lịch. Rất nhiều bạn bè trong ngành du lịch và gia đình ngăn cản, nhưng tôi quyết định đầu tư du lịch trên kênh này, vì muốn trả ơn Thành phố, nơi đã cưu mang tôi - một cậu bé tha hương từ miền Trung vào đây lập nghiệp”, ông Phan Xuân Anh nói.
Ông kể, nhận được sự khuyến khích của lãnh đạo sở, ngành của TP.HCM, rằng “chỉ có anh mới làm được”, ông đã dồn tâm huyết xây dựng đề án hình thành tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn chưa có ai triển khai.
Ngày 30/8/2014, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng ký Văn bản số 4394/UBND-TM, chấp thuận chủ trương khai thác du lịch trên tuyến đường thủy nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn thực hiện.
Thậm chí, theo ông Phan Xuân Anh, đích thân lãnh đạo quận 1 (TP.HCM) lúc bấy giờ là ông Đoàn Ngọc Hải còn dẫn ông đến khu vực đất nên đầu tư bến thuyền. Hàng loạt sở, ngành của TP.HCM (Sở Giao thông - Vận tải, Sở Du lịch…) đều ủng hộ cấp phép xây dựng công trình phụ trợ trên bờ, tại vị trí các bến thuyền, như nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe… Tất nhiên, toàn bộ công trình trên mặt đất (thuộc đất công viên) đều phải tuân thủ quy định về sử dụng hành lang trên bờ kênh rạch.
Chỉ trong 22 ngày, doanh nghiệp của ông Phan Xuân Anh đã hoàn thành đề án, đồng thời gấp rút đầu tư 2 bến thuyền cho tuyến du lịch (bến gần cầu Thị Nghè - quận 1 và bến gần cầu chùa Candaransi - quận 3).
Cải tạo dòng kênh và xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo
Sau nhiều năm cải tạo, dù được hồi sinh, thậm chí được ca ngợi là “kỳ tích”, nhưng thời điểm năm 2015, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn bị ô nhiễm nặng, bởi hành vi của nhiều người với dòng kênh chưa dễ thay đổi.
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động của bến. Nay bình thường mới, thì bến lại phải đóng để chờ 1 thủ tục, đã khiến 45 nhân viên của tôi thất nghiệp, hơn 30 tàu thuyền lênh đênh. Bến không mở, thì khách đâu tới mua vé đi thuyền? Tình huống mới này đẩy doanh nghiệp đã khó khăn vì Covid-19, lại càng thêm khốn khó.
- Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn
Ông Phan Xuân Anh đã phải dùng tàu, thuyền công suất lớn sục bùn, đẩy bùn ra sông lớn; dùng chế phẩm sinh học zeolite để gạn nước; làm dây phao ngăn rác theo thủy triều từ sông vào, trang trí đèn dưới mép sông hai bờ. Không những vậy, ông còn bỏ ra hàng tỷ đồng thuê họa sĩ vẽ bích họa lịch sử dưới chân cầu.
“Người dân ở TP.HCM không xa lạ với dòng kênh, nên chỉ đến xem vì tò mò, chứ không hề có khách đi thuyền. Nên tôi phải đưa vào tour, rồi đưa khách nước ngoài của tôi tới đây. Bây giờ, khách ngoại quốc chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan ở tuyến du lịch này của Công ty”, ông Phan Xuân Anh kể.
Nỗ lực gây dựng trong 5 năm, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã tạo ra một sản phẩm du lịch đường thủy độc đáo với hai bến tàu xinh xắn, trang nhã. Ở đoạn kênh mà doanh nghiệp khai thác du lịch, du khách trên thuyền như được du ngoạn qua một thành phố thu nhỏ, với đầy đủ các yếu tố lịch sử, kiến trúc, đến văn hóa, ẩm thực với Thảo Cầm Viên, cầu thị Nghè, tòa nhà Landmark, chùa Vạn Thọ, Pháp Hoa…
Tuyến du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã nằm trong nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông tuyến nội đô có bán kính dưới 10 km), có sức cạnh tranh với nhiều điểm đến du lịch khác, trong các tour du lịch đón khách đến với TP.HCM, nhất là với khách quốc tế.
Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, số liệu từ Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho thấy, lượng khách du lịch trên kênh thông qua 2 bến thuyền thuộc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn năm 2019 đạt 12.982 lượt, tăng mạnh so với năm 2018 là 2.762 lượt.
Theo ông Phan Xuân Anh, dịch bệnh đã khiến nhiều du khách quốc tế thay đổi quan điểm về du lịch, hình thành nên thuật ngữ “Go Green”. Tức là, giờ đây, du khách rất thích tới những vùng đất bị ô nhiễm do chính con người gây nên, rồi lại được tái sinh nhờ bàn tay con người. Ông đã giới thiệu tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và nhanh chóng được du khách quốc tế chấp nhận.
“Sau Covid-19, tôi ấp ủ kế hoạch biến tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi đầu thế giới về loại hình du lịch Go Green”, ông Phan Xuân Anh nói.
Vượt qua đại dịch, nhưng khó “thọ” vì thủ tục
“Cơn bão” Covid-19 càn quét TP.HCM hơn 2 năm qua, cũng là thời gian Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn phải tạm dừng mọi hoạt động. Vượt qua bao khó khăn do đại dịch, gần đây, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn xin gia hạn giấy phép để tiếp tục mở lại hoạt động du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nhưng, bất ngờ, tại 2 quyết định về việc công bố lại hoạt động bến thủy nội địa đưa rước hành khách du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Quyết định số 1032 và số 1033/QĐ-SGTVT, ngày 9/11/2021), Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho phép hoạt động trở lại 2 bến thủy nội địa đưa rước khách du lịch, nhưng lại yêu cầu Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn “tạm ngưng sử dụng khai thác công trình trên bờ tại khu vực bến, trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền”. Lý do là, công trình trên bờ nằm trong phạm vi đất công.
Như vậy, cơ quan chức năng cho thuyền hoạt động, nhưng… không cho bến bờ.
Điều trớ trêu, theo ông Phan Xuân Anh, thời điểm năm 2014, UBND TP.HCM đã kêu gọi, “trải thảm” mời doanh nghiệp đầu tư tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trên bến, dưới thuyền.
Lúc đó, chính quyền TP.HCM cho phép Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn được lắp đặt 2 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ miễn phí, có kết hợp quầy giải khát nhanh và quầy bán hàng lưu niệm tại 2 bến thuyền du lịch.
Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã thiết kế các hạng mục trên đúng yêu cầu của chính quyền và cơ quan chức năng, với tổng diện tích chỉ hơn 300 m2, dạng vật liệu lắp ghép chứ không phải công trình kiên cố. Bến này nhằm phục vụ du khách xuống tàu, lên bờ, khi du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Suốt nhiều năm năm qua, 2 nhà vệ sinh và công trình phụ trợ khác tại 2 bến thuyền đã phục vụ rất tốt nhu cầu của hàng chục ngàn du khách…
Điều bức xúc nữa, ông Phan Xuân Anh cho rằng, nếu như cơ quan chức năng TP.HCM thay đổi quan điểm, từ chỗ không cần thủ tục, nay yêu cầu làm đúng thủ tục về đất công, doanh nghiệp cũng chấp hành, nhưng làm thủ tục về đất công là thuê đất, hay đấu giá quyền sử dụng đất thì phải hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, “người ta” vẫn để doanh nghiệp cùng những con thuyền “lênh đênh” từ cuối năm 2021 tới giờ này, mặc dù lãnh đạo TP.HCM vẫn đang kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân hồi phục, tái sinh để tái thiết kinh tế”, ông Phan Xuân Anh nói.