Sống thiếu ý thức, thích soi mói nhau
Đêm ngày 30/10, ở Block B, một chung cư mang tên P.A tại phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM, một cư dân say rượu đã đi vệ sinh ngay trong thang máy. Mùi hôi thối lan tỏa khiến cư dân một phen khó chịu, còn tác giả của “kiệt tác” trên sáng hôm sau tỉnh dậy được ban quản lý mời xuống làm việc mới biết mình đã làm bậy.
Cũng ở chung cư này, thời gian qua, cư dân tầng 12, 13 Block D khó chịu ngày đêm chỉ vì sống cạnh một căn hộ mà chủ nhân căn hộ này đam mê ca nhạc và khiêu vũ. Nhưng nữ chủ nhân căn hộ luôn chọn thời điểm “độc” để thể hiện tài năng của mình, đó là cứ trưa và 22 giờ tối mở nhạc lên hát và nhảy. Vậy là những gia đình sống bên cạnh và dưới căn hộ phải hứng chịu tiếng ồn. Cư dân báo cáo lên ban quản lý, ban quản lý tới nhắc nhở, thì nữ chủ nhà gây khó dễ và lên mạng mắng chửi cả cư dân lẫn ban quản lý.
Một chung cư khác mang tên R.B tại quận Tân Phú (TP.HCM) đang dậy sóng và sống phải cảnh giác lẫn nhau. Câu chuyện tưởng như đùa được anh Thành, cư dân chung cư này chia sẻ với phóng viên, đó là việc nhiều người dân sống ở chung cư lập 1 trang fanpage với mục đích lúc đầu là nơi đưa tất cả thông tin lên để chia sẻ nhằm xây dựng một cộng đồng chung cư văn minh, lịch sự và giúp cư dân góp ý những điều chưa ổn trong chung cư. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động đúng mục đích ban đầu, sau đó là những hình ảnh riêng tư của cư dân sinh sống tại đây được người dân chụp đăng tải lên với lời lẽ không văn minh.
Cụ thể, việc một chị phụ nữ mặc đồ ngủ ra công viên tập thể dục cũng bị cư dân chụp đăng lên để lên án là mặc như vậy không được xuống khu thể dục. Hay như gia đình nào đó cãi nhau cũng bị đưa thông tin lên, thậm chí người dân ngồi công viên nói chuyện, nhưng có lỡ làm gãy cành hoa cũng bị đưa thông tin lên chỉ trích... Cuộc sống cư dân bị soi mói dẫn tới cảnh ly kỵ, sợ hãi lẫn nhau.
“Sống vậy chả khác nào sống với một bà mẹ chồng khó tính, trong khi căn hộ của mình, chứ đâu phải căn hộ của họ và mình có vấn đề gì thì mình tự đi ý kiến, chứ đâu có mượn họ đại diện cho mình ý kiến đâu”, anh Thành nói và cho biết, có một nhóm người “nhiệt tình thái quá”. Họ chỉ cần thấy một căn hộ nào phơi đồ ở ban công là chụp ảnh đưa lên nhóm và nói gia đình đó thiếu ý thức tập thể…
Hay như câu chuyện ở chung cư B.Q 1 tại quận Bình Thạnh mới đây, chỉ vì không thích một nhân viên bảo vệ, mà một cư dân yêu cầu họp cư dân rồi treo băng rôn phản đối ban quản lý. Chị Hạnh, một cư dân sống ở chung cư này cho biết, chị và hơn 400 hộ dân đang sống tại đây phải cuốn vào cuộc chiến giữa cư dân này với ban quản lý chỉ vì anh ta để xe không đúng vị trí bị bảo vệ nhắc nhở, sau đó thù ghét bảo vệ.
“Anh ấy để xe vào bãi và yêu cầu bảo vệ phải dắt xe ra giúp khi lấy xe đi, vì anh ta nói trả tiền giữ xe hàng tháng, thì bảo vệ phải làm việc này. Khi không được đáp ứng, anh ta đi soi hết lỗi từ nhỏ tới lớn của ban quản lý, rồi ghi hết các lỗi đó và in ra nhét vào khe cửa từng căn hộ. Sau đó yêu cầu chủ đầu tư và các cư dân đang sống ở chung cư phải họp lại để biểu quyết cho đơn vị bảo vệ đó nghỉ… Cư dân không tham gia thì anh ấy lên tận nhà từng người để mời xuống họp, khiến ai cũng ngao ngán”, chị Hạnh kể.
Văn hóa sống chung
Nhiều người dân sống ở chung cư cho rằng, chung cư là một cộng đồng tập thể, chính vì vậy, người dân sinh sống tại đây cũng phải sống sao cho văn minh, không làm ảnh hưởng tới cộng đồng mà mình đang sống.
Anh Nguyễn Văn Long, cư dân tại Chung cư Him Lam Phú An, quận 9, TP.HCM cho biết, trong cuộc sống có thể có lúc này lúc khác, nhưng nếu biết sống hài hòa, bớt soi mói, bớt ích kỷ, đặt mình vào vị trí người xung quanh, thì mọi chuyện sẽ êm ấm và cuộc sống chung cư sẽ tươi đẹp hơn.
“Nếu thấy cư dân xả rác ở nơi công cộng thì mình có thể ra nói chuyện với họ. Hoặc cầm rác họ xả đi vất để họ thấy mà chạnh lòng, lần sau sẽ không như vậy nữa. Hay như việc cư dân làm ồn thì mình nên nhắc nhở, cũng như cùng cư dân nói chuyện với gia đình đó, không nên cái gì cũng mang nên mạng xã hội nói, sẽ làm mọi chuyện phức tạp hơn”, anh Long nói.
Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, doanh nghiệp chuyên quản lý vận hành tòa nhà chung cư cho rằng, câu chuyện cuộc sống và ý thức cư dân tại các chung cư là chuyện dài kỳ, bởi không thiếu trường hợp một nhóm rất ít người nhân danh cả tập thể cư dân để đặt ra các yêu sách, kiến nghị… Những hành động của họ không chỉ khiến ban quản trị bối rối, mà ngay cả các cư dân còn lại cũng mệt mỏi theo.
Thậm chí, tại các diễn đàn cư dân của các toà nhà được ban quản lý, ban quản trị lập ra để lắng nghe ý kiến của người dân nhằm phục vụ tốt hơn thì họ không vào đó ý kiến, mà tự lập ra một diễn đàn khác để có quyền quản trị, xóa và đăng bài theo ý kiến chủ quan của các cư dân này.
“Văn hóa sống tại nhiều chung cư hiện nay quả thực đang có rất nhiều vấn đề. Tất nhiên, chung cư là một xã hội thu nhỏ, mỗi người một tính cách và quan điểm sống, nhưng việc một vài cư dân lạm dụng quyền lực, đòi hỏi vô lý, thậm chí có ý kiến với cả không gian riêng tư và quyền tự do cá nhân của người khác là điều rất không nên”, bà Hương nói.
Cần biết rằng, tuân thủ pháp luật là đạo đức tối thiểu, nên việc đầu tiên phải tuân thủ các văn minh công cộng mà luật quy định như tiếng ồn, vệ sinh, khói bụi, không gian sống... Sau đó, bắt đầu mới tiến tới cái gọi là ý thức và đạo đức, văn minh giao tiếp. Cần phải đảm bảo quy định điều đó.
“Quốc có quốc pháp, gia thì có gia quy, chung cư thì có nội quy nhà chung cư, có luật nhà ở. Chính vì vậy, cư dân ở chung cư nên tuân thủ luật đầu tiên, sau đó tới việc nhắc nhở nhau có ý thức tự giác cùng tuân thủ. Bên cạnh đó, muốn nâng cao ý thức tự giác sống ở chung cư, thì cần thêm luật để răn đe những người không có ý thức tự giác thực hiện. Đó là chế tài của chung cư với nhau, còn nếu mãi không có ý thức, thì cộng đồng sẽ không phục vụ hộ cư dân đó nữa chẳng hạn… Có như vậy, cộng đồng chung cư sẽ văn minh hơn”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, để nâng cao ý thức sống ở chung cư, cũng nên động viên, khuyến khích cư dân sống văn minh.
Còn ông Trần Văn Bảy, Trưởng ban quản trị một chung cư trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM cho rằng, khi chọn sống tại chung cư, nghĩa là cư dân muốn có cuộc sống yên bình và không muốn ai làm phiền như ở nhà phố, ra ngõ là thấy cãi nhau. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều chung cư không còn cảnh yên bình khi nếp sống “soi mói” nhau khá phổ biến. Cư dân sống trong cảnh phòng ngừa, sống không biết sao cho vừa lòng nhau.
“Dường như rất nhiều cư dân chung cư hiện nay quá quen với nếp sống dưới nhà mặt đất mà chưa tiếp nhận được văn hóa sống theo trục dọc của chung cư, nên hay đòi hỏi, lạm dụng quyền tự do hành xử, tự do ăn nói của mình cả trong thực tế lẫn trên mạng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền tự do chính đáng của người khác”, ông Bảy nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com