Sống nhờ margin

(ĐTCK) VN-Index vượt 600 điểm được một phiên nhưng không bảo vệ được thành quả vững chắc này, chỉ số đã rớt 3 điểm trong phiên sau đó.
Có nhiều yếu tố lý giải cho sự đi lên thiếu vững chắc này. Nổi bật nhất trong số đó là con số khoảng 6.500 tỷ đồng được các CTCK bơm vào thị trường thông qua hoạt động margin và ứng trước.

Thống kê từ báo cáo tài chính của các CTCK cho thấy, Top 10 thị phần môi giới là những công ty bơm nhiều tiền nhất cho các nhà đầu tư như SSI, HSC, MBS, ACBS, VNDS, FPTS… Dịch vụ tài chính là lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn cho các CTCK và cũng được đánh giá là một vũ khí cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư giữa các CTCK lớn trên sàn. Những công ty giải ngân cho vay thấp ở thời điểm thanh khoản trên 2 sàn đạt tới 4.000 tỷ đồng mỗi phiên hầu như không có nguồn thu từ môi giới, nhà đầu tư dù rất gắn bó rút cuộc cũng dứt áo ra đi. 

Chứng khoán tăng bằng tiền vay như vậy nên cũng rớt nhanh vì áp lực bán chốt lời tăng cao khi giá đã đạt kỳ vọng. Điều này cũng giải thích vì sao có nhiều phiên thị trường tăng điểm nhưng diễn ra cảnh “xanh vỏ, đỏ lòng”, nhà đầu tư tập trung mua và lướt ở những mã blue-chip có thanh khoản tốt (dễ mua, dễ bán), đà tăng trên diện rộng hầu như không xảy ra.

Tác động đến giá cổ phiếu còn nằm ở thông tin về kết quả kinh doanh bán niên của các DN niêm yết. Tuần này sẽ là khoảng thời gian các DN phải công bố thông tin. Nhìn một cách sơ bộ cho thấy, quý II năm nay, số DN đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực cũng không diễn ra trên bề rộng.

Những tên tuổi được dự báo khả quan đã quen thuộc với thị trường như cổ phiếu họ thực phẩm, dược, dầu khí…, kỳ vọng đã được phản ánh vào giá.  Yếu tố tác động đến thị trường lại chính ở nhóm DN có khả năng lỗ cao hơn dự kiến. Trường hợp của VNE là một ví dụ. Ngay sau khi thông tin công ty này lỗ 100 tỷ đồng trong quý II được công bố, gần 1 triệu cổ phiếu đã bị bán sàn.

Tuần qua có đến 6 phiên tăng điểm nhưng thống kê cho thấy, số mã tăng giá không nhiều. Cụ thể, trên HOSE là 103 tăng/98 giảm, trên HNX là 80 tăng/95 giảm. Đà tăng điểm trong con sóng này tập trung chủ yếu ở một số blue-chip, sắc xanh chưa lan rộng trên cả thị trường. Một sự bứt phá mạnh do đó khó có thể xảy ra.

HOSE hiện là một trong những sàn chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới. Nhà đầu tư có lý do để tin tưởng bỏ tiền vào chứng khoán. Nhưng khi triển vọng kinh tế vĩ mô chưa có chuyển biến rõ rệt, hoạt động doanh nghiệp chưa thực sự qua thời điểm khó khăn, cũng khó kỳ vọng thị trường sẽ bùng nổ.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục