Đợi chờ
“Chúng tôi cũng mới vừa biết Thông báo về Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung ngắn gọn quá nên cũng chưa thể nói được gì”, một cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco1) cho biết.
Trước đó, từ cuối năm 2018, nhiều lãnh đạo trong Ban chỉ đạo CPH Cienco1 giai đoạn 2011 - 2014 dù đã nghỉ hưu lâu năm, đã có buổi làm việc trực tiếp hoặc gửi báo cáo giải trình tới Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thành lập theo Quyết định số 878 (gọi tắt là Đoàn 878).
Được biết, Cienco1 vừa là tổng công ty xây dựng giao thông ngành GTVT đầu tiên hoàn tất công tác CPH, nhưng đồng thời cũng chứng kiến nhiều xáo trộn về nhân sự cấp cao cũng như cơ cấu cổ đông. Cụ thể, vào đầu tháng 1/2019, Cienco1 đã công bố Nghị quyết của Tổng công ty về việc bầu ông Đinh Ngọc Đàn, Phó tổng giám đốc giữ cương vị Phó chủ tịch HĐQT và Quyết định bổ nhiệm ông Ngô Bá Toản, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 - Cienco1 giữ cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty.
Đây đã là lần thứ 3 kể từ khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhân sự tại vị trí tổng giám đốc tại doanh nghiệp từng giữ vị trí số 1 về xây dựng công trình giao thông có sự thay đổi. Trước khi ông Ngô Bá Toản được giao làm Tổng giám đốc, vị trí này thuộc về ông Đinh Văn Thanh (6/2016 - 12/2018). Ông Thanh được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Cienco1 thay cho ông Quách Bá Vương - người giữ chức vụ này trong vòng chưa tới 1 năm.
Cienco 1 được IPO vào ngày 21/3/2014 với khối lượng chào bán là 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ số cổ phần nêu trên đã được bán hết, thu về hơn 161 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước. Đến thời điểm giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh (nắm 35,58%), trong khi các cán bộ, người lao động trong Cienco1 chỉ chiếm chưa đầy 6%.
Ông Đào Xuân Dụ - người mới thôi chức Chủ tịch Công đoàn Cienco1 khoảng 1 năm để nghỉ chế độ cho biết, quá trình CPH, thoái vốn tại Tổng công ty này diễn ra nhanh với nhiều thay đổi, xáo trộn làm ngỡ ngàng ngay cả với nhiều cán bộ lâu năm.
“Tôi không biết công tác CPH, thoái vốn tại Cienco1 trong giai đoạn trước có vấp váp gì không, nhưng những diễn biến đời sống việc làm của người lao động, cổ tức cho các cổ đông nhỏ rõ ràng không được như kỳ vọng ban đầu”, ông Dụ nói.
Sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả sản xuất, kinh doanh của Cienco1 giảm sút, phần do các cổ đông lớn chưa đầu tư, hỗ trợ Tổng công ty như cam kết, song nguyên nhân chủ yếu là do ngành GTVT mấy năm nay không triển khai nhiều dự án lớn, dẫn đến “giáp hạt” việc làm trong toàn khối xây dựng cơ bản. Đây cũng là tình trạng chung của các Cienco ngành GTVT.
Ngay tại Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), nơi vẫn duy trì được sự ổn định về nhân sự khi tập thể người lao động nắm 48,3% cổ phần bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, khó khăn khách quan do chính sách vĩ mô của Nhà nước về đầu tư công, cơ chế nguồn vốn BOT, BT… ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn công việc của Tổng công ty.
Số liệu thống kê của Công đoàn GTVT cho thấy, trong năm 2018, thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối chỉ đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó “đáy” rơi vào những doanh nghiệp sửa chữa đường bộ với mức lương bình quân chỉ đạt vỏn vẹn 4,8 triệu đồng/người.
“Ngoại trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và một số doanh nghiệp khai thác cảng biển phát triển tốt sau CPH. Phần lớn doanh nghiệp xây lắp, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông; đóng tàu đều chưa tạo được sức bật dù đã chuyển đổi mô hình hoạt động”, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT đánh giá.
Nhanh nhiều, lo lắm!
Cần phải nói thêm rằng, Cienco1, TEDI nằm trong số hơn 100 doanh nghiệp GTVT được CPH trong giai đoạn 2011 - 2016, chủ yếu là dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT.
Vào tháng 12/2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 2447/TTg-ĐMDN về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ GTVT, trong đó chỉ đạo duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với 22 doanh nghiệp; thực hiện CPH 70 doanh nghiệp; hợp nhất 3 doanh nghiệp; phá sản 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm (2011 - 2015), Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt (bao gồm 16 tổng công ty và 121 công ty con, công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ).
Điều đáng nói là trong 12 tổng công ty hoàn thành CPH, 8 tổng công ty tìm được nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, có 4/12 tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
“Đây là khối lượng doanh nghiệp được CPH nhiều gấp đôi số lượng đơn vị được CPH trong hơn 10 năm trước đó”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Không chỉ CPH các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuần túy, cũng trong giai đoạn này, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa 4 đơn vị sự nghiệp công lập (Bệnh viện GTVT Trung ương, Bệnh viện Nam Thăng Long, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường trung cấp nghề Thăng Long). Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện GTVT Trung ương đã hoàn thành CPH chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã dừng triển khai CPH đối với 3 đơn vị sự nghiệp còn lại.
Sau khi hoàn tất công tác CPH, từ năm 2014 - 2016, là giai đoạn Bộ GTVT đẩy nhanh công tác thoái vốn. Tính đến cuối năm 2016, Bộ GTVT hoàn thành việc thoái vốn tại 11 doanh nghiệp, trong đó có 8 công ty mẹ - Tổng công ty và 3 công ty cổ phần do Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau CPH, Bộ GTVT cho biết, giá trị bán ra theo mệnh giá (giá trị đầu tư) là trên 2.153 tỷ đồng, giá trị thu về là gần 2.785 tỷ đồng, thặng dư đạt 632 tỷ đồng, tương ứng 129% giá trị mệnh giá, giá bán thành công từ 10.023 đồng/cổ phần đến 37.230 đồng/cổ phần, bình quân 12.900 đồng/cổ phần.
Trên thực tế, việc tiến độ CPH, thoái vốn được Bộ GTVT thực hiện nhanh và sốt sắng cũng để lại những mặt trái cho cả một số nhà đầu tư. Tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), sau 5 năm kể từ khi CPH, cổ đông chi phối là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng vẫn phát hiện những vỉa nợ lỗ do những sơ suất của Ban Chỉ đạo CPH trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong khi đó, cuộc “hôn nhân” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Bệnh viện GTVT Trung ương - đơn vị y tế công lập đầu tiên trong ngành giao thông được chọn CPH và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) đang dần đi đến hồi kết sau khi T&T đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ: GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT. Việc Bộ GTVT không thể giữ nguyên cam kết như trong phương án CPH là luôn duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30% đã khiến T&T và một số nhà đầu tư tư nhân xin trả lại cổ phần đã mua, để lại những hệ lụy đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Điều đáng nói, cho đến thời điểm Đoàn 878 vào cuộc, ngoại trừ vụ việc CPH, thoái vốn tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn; việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, CPH, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác CPH, thoái vốn tại Bộ GTVT đã không nhận được sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Ngay trong Thông cáo Báo chí Kỳ họp 35 của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không đề cập sai sót, khuyết điểm trong công tác CPH tại doanh nghiệp, đơn vị cụ thể nào; sai phạm ở khâu nào, nên mọi thông tin vẫn phải chờ đợi, kể cả đối với các nhà đầu tư.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn 878 và đang phục vụ đoàn Thanh tra Chính phủ về công tác CPH trong ngành GTVT. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp mong đợi thông tin cụ thể hơn từ phía các cơ quan chức năng để yên tâm tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, một nhà đầu tư nói.
Đến thời điểm 31/12/2017, Bộ GTVT chỉ quản lý 8 tổng công ty do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; 2 công ty TNHH một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; 2 công ty TNHH một thành viên. Đến thời điểm tháng 3/2019, Bộ GTVT quản lý 5 tổng công ty do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; 2 công ty TNHH một thành viên.
Trong tổng số 137 doanh nghiệp Bộ GTVT thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2016 có 16 tổng công ty, trong đó có những doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng tài sản trên 57.000 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng tài sản trên 17.000 tỷ đồng...
Cũng trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT đã thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển và Tổng công ty Cảng hàng không - doanh nghiệp lớn nhất cả nước quản lý và khai thác 22 cảng hàng không.