Thổ Nhĩ Kỳ là một xứ sở đầy bí ẩn. Ngay vị trí địa lý có một không hai của quốc gia này đã khơi gợi những cảm giác thú vị lạ kỳ. Người Thổ án ngữ tại cửa ngõ, nơi giao cắt của 3 lục địa lớn là châu Á, châu Âu, châu Phi, có chung biên giới với 8 quốc gia, được bao quanh bởi liên tiếp các đại dương và biển gồm biển Đen, biển Aegea, Địa Trung Hải, biển Marmara, các eo biển Bosphorus và Dardanelles phân ranh giới châu Âu và châu Á.
Với vị trí chiến lược ấy, trong quá khứ vàng son, đất nước này đã nằm trên nút giao đặc biệt trọng yếu trong chặng hành trình dài xuyên lục địa từ Á sang Âu của con đường tơ lụa huyền thoại đã được các thương nhân cổ đại khai phá cách đây hàng nghìn năm.
Ngày nay, vị trí chiến lược này đã biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia có vai trò quan trọng đặc biệt tại cửa ngõ vào Trung Đông, đồng thời là nơi giao cắt hết sức quan trọng trong kết nối kinh tế, ngoại giao và chính trị giữa 3 châu lục.
Trong những thời điểm hết sức nóng bỏng của cuộc xung đột nội chiến giữa chính phủ đương nhiệm và phiến quân tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng phải oằn lưng gánh hàng triệu người di cư chạy trốn từ quốc gia này, đồng thời trở thành điểm khởi đầu của hành trình trốn chạy chiến tranh khốc liệt của chừng ấy người di cư Syria tới các nước châu Âu tìm miền đất hứa.
Có lẽ với những biến cố chính trị căng thẳng như vậy trong thời gian gần đây, dường như ai cũng nghĩ rằng, đến Thổ Nhĩ Kỳ là đến miệng lò lửa chiến tranh và khủng bố nguy hiểm. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Ngay cả trong những ngày quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hết sức căng thẳng sau vụ máy bay quân sự của Nga bị bắn rơi, cuộc sống tại đất nước này vẫn hết sức bình yên.
Mọi hoạt động đời thường vẫn diễn ra như nó vẫn thế, người dân vẫn sinh hoạt, làm việc và hưởng thụ như không có chuyện gì xảy ra. Khách du lịch từ các nơi trên thế giới vẫn nườm nượp đổ về các thành phố lớn như Istanbul, Thủ đô Ankara, đến thăm các thánh đường Hồi giáo và các điểm đến nổi danh của đất Thổ, bất chấp vụ đánh bom ngay giữa Ankara làm hơn 100 người thiệt mạng.
Và ngay cả tại Thành phố Antalya nằm tại phía Đông Nam - khu vực nằm giáp ngay đường biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, du khách thuộc mọi quốc tịch vẫn tấp nập không mệt mỏi trong hành trình khám phá các quảng trường lịch sử, các nhà thờ Hồi giáo, các khu phố cổ đông đúc và ngắm tàu thuyền san sát bên bờ biển Địa Trung Hải, trong khi thưởng thức món cá nướng kiểu Thổ. Các chợ Thổ và siêu thị đầy ắp người dân và du khách mua bán, các quán bar, nhà hàng vẫn sôi động với các vũ điệu Belly Dance hàng đêm…
Cũng chính vào thời điểm hết sức nóng bỏng ấy, đoàn FAM Trip bao gồm 18 Công ty du lịch lữ hành lớn của Việt Nam do TravelShop Turkey, hãng du lịch lữ hành nổi tiếng có quy mô hoạt động quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức dành riêng cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã đổ bộ lên đất Thổ để khảo sát thị trường và tiềm năng mở rộng các sản phẩm du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cho du khách Việt Nam. Mặc dù đến đúng thời điểm khá “nóng”, song hầu hết các Công ty du lịch Việt đều cảm thấy rất hài lòng về chuyến đi với nhiều cảm nhận không thể nào quên, và trên hết họ đã phát hiện thấy đây thực sự là một thị trường du lịch mới rất tiềm năng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách Việt Nam trong thời gian tới.
“Mặc dù truyền thông thế giới đã nói nhiều về khủng bố thời gian qua và có biến cố về quân sự và ngoại giao trong thời gian tham quan Thổ Nhĩ Kỳ, song tôi đã có cảm giác thực sự an toàn và bình yên tại những điểm đến đã đặt chân tới. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với phong cảnh thực sự yên bình, những con người đầy thân thiện đã giúp chúng tôi có được cảm giác đó”, chị Lê Huyền, đại điện Công ty Vietrantour chia sẻ.
Còn anh Hoàng Phụng Hiếu, Giám đốc Điều hành Công ty du lịch Vietglobal Travel và chị Nguyễn Thục Lam, đại diện Công ty Hoàng Trà Travel lại hết sức ấn tượng với cách làm du lịch bài bản và chuyên nghiệp của ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi thực sự rất ấn tượng với năng lực, cách tổ chức và dịch vụ rất chuyên nghiệp cho du khách quốc tế của của TravelShop Turkey. Cách làm chuyên nghiệp của họ đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc khó quên và những bài học kinh nghiệm rất quý giá từ việc thiết kế tuyến điểm hợp lý, bố trí dịch vụ ăn nghỉ chu đáo, hướng dẫn viên nhiệt tình cho tới công tác tổ chức các hoạt động đi lại, giải trí, góp phần giúp du khách yên tâm tận hưởng chuyến du lịch. Đây chính là những điểm mà DN du lịch Việt cần học hỏi ở ngành du lịch Thổ và đồng thời là điểm mạnh thu hút nhiều khách Việt Nam tới đây”, đại diện 2 DN lữ hành nhận xét.
Đến Thổ Nhĩ Kỳ không thể không đến Istanbul, thành phố lớn nhất nước. Đây cũng là thành phố duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong 1/3 phần lãnh thổ thuộc châu Âu của quốc gia này, trong khi 2/3 còn lại thuộc về châu Á. Istanbul không chỉ nối tiếng bởi các thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới có niên đại gần 1.000 năm và các nhà thờ giao thoa tín ngưỡng giữa đạo Hồi và Thiên chúa giáo với đặc trưng kiến trúc Byzantine như Vương cung thánh đường Hagia Sophie, thánh đường Hồi giáo Vua Ahmed, Sehzade, Süleymaniye và Rüstem Pasha…, nơi này còn mê hoặc du khách bởi nền văn minh cổ đại của Đế chế Ottoman hùng mạnh. Hồn cốt của đế chế ấy còn lưu lại ở cung điện lớn nổi danh Topcapi Palace, Thánh đường Xanh lịch sử Sultan Ahmed, Trường đua ngựa cổ đại Hippodrome.
Song điểm đặc biệt hút hồn du khách nhất phải nói đến vịnh Bosphorus, vùng eo biển đánh dấu ranh giới nối liền giữa châu Á và châu Âu. Đứng trên du thuyền ngắm cửa biển thanh bình với những đàn hải âu bay rợp trời giữa cây cầu nổi tiếng Bogazici nối hai châu lục, người ta thấy lâng lâng với cảm xúc vượt thời gian và không gian rất khó tả. Châu Âu và châu Á xa xôi cách trở là thế, ngồi máy bay bay mất mười mấy tiếng mới đến nơi, nhưng ngay tại nơi này, đứng ở bờ Đông thì đang ở châu Á, chỉ cần đi phà hoặc đi qua cây cầu dài hơn vài ba cây số sang bờ Tây bên kia là đã đặt chân lên đất châu Âu.
Các khu chợ gia vị và chợ lớn tại Istanbul - nơi bán các loại gia vị, đồ gốm, len dạ, thảm, đồ da cũng là những điểm nhấn rất độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa và tập quán thói quen ẩm thực, trang phục và sinh hoạt rất cầu kỳ riêng có của người Thổ. Nói đến gia vị, phải nhắc đến người Thổ Nhĩ Kỳ bởi họ là bậc thầy trong sử dụng phối trộn gia vị trong chế biến món ăn, giúp đem lại những hương vị không đâu có được. Vào chợ gia vị Spice Bazaar, du khách ngỡ như mình lạc vào một thiên đường gia vị với hàng trăm loại bột, hạt và quả làm gia vị với đủ mọi hương vị. Trong chợ cũng có những cửa hàng bánh trông rất lạ, sinh động với nhiều màu sắc và ngon mắt.
Người Thổ rất mến khách và khéo chào hàng, chỉ cần lướt qua cửa hàng, khách không thể không dừng chân ngắm nghía và khó có thể từ chối lời mời nếm mỗi thứ một tý của ông chủ hàng khéo lời. Dù mua hay không thì vẫn được ông chủ tiếp đón hết sức ân cần. Một điều rất buồn cười là khi biết khách là người Việt Nam, các ông chủ hàng Thổ Nhĩ Kỳ đều tỏ ra rất vui và… ngạc nhiên, vì du khách người Việt đến đây còn chưa nhiều, chủ yếu toàn khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Đến chợ lớn thì tha hồ ngắm nghía, ăn thử và mua sắm các loại bánh truyền thống, bát đĩa đồ gốm và thảm len dạ… Các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ rất tinh xảo, nhất là các loại bát đĩa, cốc chén và các loại thảm, hầu hết đều được làm thủ công nên rất cầu kỳ và có giá trị. Song khách hoàn toàn có thể chọn cho mình những sản phẩm ưng ý vừa tiền sau khi mặc cả một chút, bởi nhiều anh chủ vui tính cũng nói thách ra trò.
Một điều rất khác biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ so với các quốc gia Hồi giáo khác, đó là mặc dù có tới 70% người dân trong nước theo đạo Hồi, song nước này vẫn không coi đạo Hồi là đạo giáo chính thống của quốc gia, mọi người dân có quyền được tự do lựa chọn tín ngưỡng tôn giáo cho mình. Chính vì lý do này mà người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ không bị ràng buộc quá mức bởi tín ngưỡng Hồi giáo.
Theo lời kể của Yuksel Coskul, anh hướng dẫn viên du lịch rất hiểu biết và nhiệt tình của TravelShop Turkey, người Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ được răn dạy và cầu nguyện sống hướng thiện, do đó, xã hội Thổ rất an ninh và an toàn, thậm chí an ninh hơn cả tại nhiều nước châu Âu vì hầu như không có nạn trộm cắp, móc túi, cướp giật. Mặc dù chưa được gia nhập EU, kinh tế cũng ở mức thấp hơn, song với cơ sở hạ tầng ổn định và khá tốt, nền kinh tế đất nước phát triển ổn định, mức thu nhập trung bình của công chức và người dân đủ đảm bảo cuộc sống ổn định bình thường, cộng với bản chất người Thổ vốn rất chăm chỉ làm ăn, kiếm sống lượng thiện, nên xã hội rất ít tệ nạn. Đây là một điểm rất đáng học hỏi ở người Thổ.
Yuksel cũng lưu ý điểm đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của Thổ Nhĩ Kỳ là không sử dụng thịt lợn theo tín ngưỡng đạo Hồi. Thịt cừu là thực phẩm thay thế được sử dụng phổ biến trong các món ăn hàng ngày. Vì vậy, đến Thổ Nhĩ Kỳ, nên làm quen với các món ăn làm từ thịt cừu được chế biến khá ngon và hợp khẩu vị với người Việt.
Còn nhiều trải nghiệm thú vị khác khó có thể mô tả bằng lời và cân đong đo đếm được, mà phải để du khách tự khám phá và cảm nhận. Chỉ biết rằng, cuộc sống bên cạnh “lò lửa khủng bố” rất xứng đáng để thử và đã thử thì không thể nào quên.