Sóng căn hộ hạ nhiệt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như trong tháng 4/2021, TP.HCM có 2.698 căn hộ được mở bán thì bước sang tháng 5, con số này chỉ là 374 căn, tức giảm tới 86%, thậm chí các tỉnh giáp ranh còn không ghi nhận dự án mới được mở bán…
Các doanh nghiệp địa ốc đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên hơn là triển khai bán hàng trong đợt dịch này. Ảnh: Trọng Tín Các doanh nghiệp địa ốc đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên hơn là triển khai bán hàng trong đợt dịch này. Ảnh: Trọng Tín

“Gáo nước lạnh” làn sóng Covid thứ 4

Những con số vừa được đưa ra bởi đơn vị nghiên cứu thị trường của Công ty DKRA Vietnam cho thấy bức tranh ảm đảm của thị trường căn hộ phía Nam trong tháng 5/2021. Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Vietnam, tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn đã làm đảo lộn kế hoạch bán hàng, ra sản phẩm mới…, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như kỳ vọng của chủ đầu tư.

“Từ đầu năm đến nay, thị trường chỉ hoạt động tích cực trong tháng 3 và 4 trước khi bắt đầu đi xuống trong tháng 5. Việc cả nguồn cung và lượng tiêu thụ cùng sụt giảm mạnh trong tháng 5 đã ảnh hưởng lớn tới thị trường chung trong 5 tháng đầu năm nay”, ông Hoàng nói.

Sau năm 2020 đầy khó khăn, thị trường bất động sản nói chung và khu vực phía Nam nói riêng được cho là sẽ phục hồi dần trong nửa đầu năm 2021 trước khi bứt tốc trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, việc dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại khiến chính quyền các địa phương phải tính đến phương án giãn cách xã hội, riêng TP.HCM tiếp tục đợt giãn cách thứ hai cho đến hết tháng 6/2021. Thực tế này như “dội gáo nước lạnh” vào không khí hồ hởi của thị trường khi các dự án mới đang nối nhau ra hàng.

Mục tiêu của Nhà nước là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin từ nay đến cuối năm đạt khoảng 75% dân số. Khi đó, việc giãn cách xã hội sẽ dần được gỡ bỏ, các hoạt động đời sống xã hội, sản xuất - kinh doanh sẽ trở lại bình thường, tạo cơ hội để thị trường địa ốc bật dậy.

Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư LDG nhìn nhận, năm nay đại dịch diễn biến phức tạp hơn hẳn so với năm trước. Trong gần 6 tháng qua, dịch Covid-19 đã 2 lần bùng phát và mức độ khó lường càng gia tăng sau mỗi đợt, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn.

“Việc liên tiếp phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến hoạt động bán hàng bị chậm lại, tâm lý hạn chế đầu tư trước diễn biến kéo dài của dịch bệnh cũng làm cho dòng vốn vào bất động sản giảm so với các năm trước, cùng với đó là những tồn đọng về thủ tục pháp lý như càng đẩy doanh nghiệp lún sâu hơn vào khó khăn”, ông Khang nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Khang cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, LDG Group đã lên kế hoạch chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm với kịch bản dịch kéo dài đến hết năm. Trong đó, ưu tiên việc bàn giao hoàn thành khu căn hộ Saigon Intela (TP.HCM), tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Khu căn hộ cao cấp LDG Sky (Bình Dương). Với dự án LDG River (TP. Thủ Đức), Công ty đang đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp lý để sớm đưa dự án triển khai trong quý IV/2021.

Không chỉ LDG Group, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có sự chuẩn bị để ứng phó diễn biến của dịch bệnh. Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho hay, kể từ đầu năm 2021, Tập đoàn Vạn Phúc luôn trong tâm thế vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh tiến độ thi công và công tác bán hàng môi khi dịch bệnh lắng xuống, nhờ vậy mà mọi hoạt động của Tập đoàn duy trì được sự ổn định. Một số công trường dự án có ảnh hưởng vì phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng vẫn đạt được 80% khối lượng công việc đề ra.

“Dịch bệnh khiến chúng tôi đôi lúc chậm nhịp, nhưng không vì thế mà lơ là công việc cũng như công tác phòng chống dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ ở Vạn Phúc là đảm bảo được sự an toàn, sức khỏe cũng như phúc lợi cho các cán bộ, công nhân viên, bởi con người là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên một tập thể mạnh, có như vậy chúng ta mới nhanh chóng vượt qua được đại dịch một cách an toàn và sẵn sàng tăng tốc khi dịch đi qua”, bà Hương nói.

Kịch bản nào cho nửa cuối năm?

Đây là điều nhiều thành viên thị trường quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường kéo dài như hiện nay. Song dù diễn ra kịch bản nào, trước mắt đại dịch vẫn đang tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người mua bất động sản để ở lẫn đầu tư, đặc biệt là người đang sẵn tiền và muốn chọn kênh đầu tư an toàn.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group bày tỏ sự quan ngại trước tình hình phức tạp của dịch bệnh trong những tháng còn lại của năm 2021. Ông Phúc cho rằng, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh là yếu tố tác động lớn nhất đến thị trường bất động sản không riêng gì khu vực phía Nam mà trên cả nước. Do đó, nếu được kiểm soát tốt, thị trường chắc chắn sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại, bởi nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn. Trường hợp phải giãn cách xã hội kéo dài, thị trường địa ốc sẽ chững lại trong năm nay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, hiện nay, Nhà nước đã có những định hướng phát triển thị trường bất động sản theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững, vấn đề còn lại nằm ở doanh nghiệp làm sao để có tính toán phù hợp, nắm bắt được nhu cầu thị trường để phát triển tốt hơn.

“Thị trường hiện vẫn có sự tăng trưởng tốt, bởi các chủ đầu tư đều nhìn thấy cơ hội phát triển lớn của thị trường bất động sản và đều có nhu cầu đầu tư lâu dài. Đối với khách hàng, có 2 nhu cầu lớn là đầu tư và ở thực, trong đó nhu cầu đầu tư thì luôn hiện hữu, còn nhu cầu ở thực là căn bản, định hướng cho toàn bộ thị trường phát triển và tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động”, ông Phúc bày tỏ.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Vietnam cũng cho rằng, trong nửa cuối năm, thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và khó kiểm soát dẫn đến phải duy trì hoặc tăng cường giãn cách xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các ngành nghề, bao gồm cả bất động sản.

Dù vậy, với quyết tâm phòng chống dịch của Chính phủ cũng như người dân, kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Hơn nữa, mục tiêu của Nhà nước là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin từ nay đến cuối năm đạt khoảng 75% dân số. Khi đó, việc giãn cách xã hội sẽ dần được gỡ bỏ, các hoạt động đời sống xã hội, sản xuất - kinh doanh sẽ trở lại bình thường, tạo cơ hội để thị trường địa ốc bật dậy.

“Tất nhiên, dù có vắc-xin ngừa Covid-19 thì dịch bệnh cũng không thể ngay lập tức chấm dứt, mà nó sẽ như đốm lửa nhỏ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì vậy, với các doanh nghiệp bất động sản, phương án khả dĩ nhất lúc này là chấp nhận sống chung với dịch, chuẩn bị nguồn lực và linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án cũng như duy trì hoạt động kinh doanh tối thiểu trong 1-2 năm tới”, ông Hoàng nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục