“Sóng 1 ngày” vỗ quanh nhiều mã yếu

(ĐTCK) Không ít cổ phiếu có diễn biến giá hình răng cưa, tức tăng trần, giảm sàn luân phiên, chứ không kéo dài. Tuy nhiên, các cổ phiếu này chủ yếu mang lại cơ hội lướt sóng cho nhà đầu tư nhỏ.
“Sóng 1 ngày” vỗ quanh nhiều mã yếu

Chẳng hạn, cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ đầu tháng 7 đến nay dao động phổ biến trong khoảng 1.200 - 1.300 đồng/cổ phiếu.

Đơn vị yết giá giao dịch trên HNX là 100 đồng, biên độ dao động giá là 10%, nên mỗi phiên, giá cổ phiếu PVX thường “nhảy lên, nhảy xuống” 100 đồng, mang lại cơ hội thu lời 8,3% cho nhà đầu tư khi mua thấp - bán cao trong giai đoạn này.

Trường hợp mua cao với kỳ vọng bán được ở mức giá cao hơn, nhưng cuối cùng lại quyết định thoái vốn, thì nhà đầu tư hòa vốn, hoặc thua lỗ 7,7%. Thanh khoản của cổ phiếu này mỗi phiên từ 0,2 - 1 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch đạt 0,2 - 1,2 tỷ đồng/phiên.

“Mức giá thấp nhất của cổ phiếu PVX kể từ khi niêm yết đến nay là 1.100 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 7/2018, nên rủi ro khi mua với giá 1.200 đồng/cổ phiếu là không cao, dù Công ty đang thua lỗ.

Gần đây, tôi luôn đặt mua tại mức giá này, sau đó đặt bán ở mức cao hơn 1 “lai”. Đây là một trong những cổ phiếu “giá bèo” có tính thanh khoản tương đối cao”, anh Hà, một nhà đầu tư chia sẻ.

PVX duy trì mức vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng kể từ quý I/2012 đến nay (sau khi tăng vốn thêm 2.500 tỷ đồng), tương ứng 400 triệu cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2017, Tổng công ty lỗ gần 366 tỷ đồng. Năm 2018, PVX bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận. Quý I/2018, Tổng công ty đạt 18,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng quý II sau đó lỗ 62,7 tỷ đồng.

Thời điểm 30/6/2018, Tổng công ty có vốn chủ sở hữu 2.330 tỷ đồng, giảm mạnh so với vốn góp của chủ sở hữu, chủ yếu do thua lỗ trong giai đoạn 2012 - 2013 (2 năm này lỗ gần 2.000 tỷ đồng).

Theo anh Hà, trên thị trường có không ít mã cổ phiếu khác có diễn biến giá hình răng cưa trong vùng giá thấp và nằm trong tầm ngắm đầu tư của anh như DPS của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sóc Sơn, KVC của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ, ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường, DS3 của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3, HKT của Công ty cổ phần Chè Hiệp Khánh, SPI của Công ty cổ phần SPI, SBS của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về tình trạng cổ phiếu “sóng 1 phiên”, trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng, hầu hết cổ phiếu loại này có thị giá rất thấp, do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, thậm chí thua lỗ kéo dài. Gần đây, giá nhiều mã giảm xuống đáy nên số nhà đầu tư quan tâm tham gia giao dịch tăng lên.

Với các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu “giá bèo”, cần phân tích kỹ triển vọng của doanh nghiệp, nếu chưa có khả năng cải thiện hoạt động thì không nên vì thấy giá cổ phiếu 1 chấm, thậm chí vài lai mà cho rằng, giá khó có thể giảm thêm. Nên mua cổ phiếu của các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động khả quan trở lại và có thanh khoản, dù giá không còn ở mức đáy

- Một  trưởng phòng phân tích

“Tuy nhiên, phần lớn là nhà đầu tư nhỏ và thực hiện chiến lược lướt sóng nhằm hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn, chứ hiếm có người mua để đầu tư trung và dài hạn”, vị trưởng phòng phân tích nhận xét và cho biết, trong khoảng 100 mã cổ phiếu có giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếu trên cả 3 sàn chứng khoán hiện nay, rất ít mã duy trì được tính thanh khoản. Đa số mã có giao dịch nhỏ giọt, thậm chí cả tháng không có giao dịch.

Thực tế, mua cổ phiếu ở mức giá thấp kỷ lục vẫn có rủi ro không nhỏ, vì giá có thể tạo đáy mới.

Chẳng hạn, cổ phiếu DS3 liên tục giảm giá từ gần 23.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 4/2018 xuống dưới 4.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trong khi mức giá thấp nhất trước đó là hơn 13.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, kể từ khi niêm yết tháng 8/2017 đến tháng 3/2018, giá DS3 liên tục dao động quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Gần đây, DS3 được giao dịch quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu.

DS3 có vốn điều lệ gần 106,7 tỷ đồng, tương ứng có gần 10,7 triệu cổ phiếu. Năm 2017, Công ty đạt 10,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; hai quý đầu năm 2018 lần lượt lãi ròng 2 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.

Hay cổ phiếu SPI, trong vòng 1 năm qua có diễn biến giảm giá liên tục, từ trên 6.000 đồng/cổ phiếu xuống 1.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá thấp kỷ lục của SPI kể từ khi niêm yết năm 2002 đến đầu tháng 5/2018 là 2.000 đồng/cổ phiếu, nếu mua vào tại mức này thì đến nay, nhà đầu tư lỗ 50%.

Hiện tại, mức giá 1.000 đồng/cổ phiếu có vẻ an toàn hơn khi trong 2 tháng qua, mỗi khi giá SPI chạm xuống “1 chấm chẵn” là sớm “nhảy” lên 1 - 2 “lai”, mang lại mức lãi 10 - 20%.

SPI có vốn điều lệ hơn 168 tỷ đồng, tương ứng có trên 16,8 triệu cổ phiếu. Năm 2016 - 2017, Công ty lãi sau thuế lần lượt là 1,4 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng. Quý I/2018, Công ty lỗ hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng quý II sau đó lãi gần 1,5 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018 là lãi trước thuế 5 tỷ đồng).

“Tôi có xem xét nhiều cổ phiếu thị giá thấp, nhưng hầu như không khuyến nghị khách hàng của mình đầu tư, mà tập trung vào các cổ phiếu lớn.

Với các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu “giá bèo”, cần phân tích kỹ triển vọng của doanh nghiệp, nếu chưa có khả năng cải thiện hoạt động thì không nên vì thấy giá cổ phiếu 1 chấm, thậm chí vài lai mà cho rằng, giá khó có thể giảm thêm. Nên mua cổ phiếu của các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động khả quan trở lại và có thanh khoản, dù giá không còn ở mức đáy”, vị trưởng phòng phân tích trên nói.

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục