Mắc kẹt với cổ phiếu yếu kém

(ĐTCK) Không ít cổ phiếu có thị giá chỉ vài ba nghìn đồng, thậm chí dưới 1.000 đồng/cổ phiếu vì doanh nghiệp kinh doanh bết bát, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin… Khả năng chuyển biến của doanh nghiệp thấp nên một số nhà đầu tư “đánh cược” vào nhóm cổ phiếu này đang bị “mắc kẹt”.
Mắc kẹt với cổ phiếu yếu kém

Mắc kẹt với cổ phiếu KSA và CDO

Ngày 5/7/2018, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có thông báo lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (CDO) và cổ phiếu Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp niêm yết phải công bố báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 100 ngày từ khi kết thúc niên độ tài chính và với báo cáo thường niên, thời hạn tối đa là 120 ngày. Đến nay, thời hạn tổ chức theo quy định đã hết, nhưng KSA vẫn chưa công bố các báo cáo này cũng như thông tin về việc khắc phục nghĩa vụ nộp thuế và việc chốt danh sách cổ đông tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2018.

Trong công văn giải trình ngày 25/6/2018 gửi HOSE, KSA cho biết, do thay đổi đơn vị kiểm toán dẫn đến công tác kiểm toán chưa hoàn tất, công tác quyết toán thuế năm 2017 đang được thực hiện. KSA không đưa ra thông tin cụ thể về thời gian sẽ thực hiện công bố các báo cáo.

Với CDO, sau 5 lần nhắc nộp báo cáo tài chính và 3 lần nhắc nộp báo cáo thường niên, đến cuối tháng 6/2018, Công ty đã công bố các báo cáo này. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của CDO bị đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA) đưa ý kiến ngoại trừ về giá trị hàng loạt khoản mục như tiền mặt tồn quỹ, tài sản cố định, công cụ dụng cụ chờ phân bổ, hàng tồn kho đến ngày 31/12/2017.

Kiểm toán cũng cho biết, chưa thu thập đầy đủ được thư xác nhận công nợ, một số khoản phải thu khách hàng, phải trả và trả trước người bán cũng như chưa tiếp cận được báo cáo tài chính kiểm toán của các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư tài chính.

CDO giải trình nguyên nhân là do thay đổi đơn vị kiểm toán, một số khách hàng không phản hồi công nợ, công ty liên doanh, liên kết chưa thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính 2017… Vậy nhưng, với hàng loạt vấn đề trên, nhiều câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra về độ tin cậy của những số liệu, tình hình tài chính thực sự của Công ty, chất lượng trong các báo cáo tài chính tự lập.

Ngoài ra, CDO bị HOSE nhắc nhở do chưa công bố thông tin về việc “chưa chấp hành pháp luật về quản lý thuế dẫn đến các khoản phạt chậm nộp, cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng” trên báo cáo tài chính 2017 dù theo quy định, đây là loại thông tin bất thường phải công bố trong vòng 24h.

Trước đó, do hàng loạt vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, cổ phiếu KSA đã bị HOSE đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/5/2018. Với CDO, cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 4/6/2018. Với tình hình hiện nay, nhà đầu tư đang mắc kẹt với 2 cổ phiếu này, chưa biết khi nào mới có thể được giao dịch trở lại. Trong khi đó, sau nhiều lần bị nhắc nhở, án hủy niêm yết bắt buộc đã cận kề.

Rủi ro tiềm ẩn từ những cổ phiếu có giá 1.000 đồng

Thống kê hơn 740 cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết đến hết phiên 10/7/2018, có hàng chục cổ phiếu có thị giá chỉ vài ba nghìn đồng một cổ phiếu. Đáng chú ý, có trên 10 mã có thị giá chưa đến 1.000 đồng/cổ phiếu, ngoài CDO, KSA còn có CTA, BII, ACM, LCM, SGO, KHB, KSK, DPS… Hầu hết các cổ phiếu này đều trong diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí hạn chế giao dịch, có kết quả kinh doanh yếu kém với nhiều dấu hỏi về tính minh bạch, đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết.

Chẳng hạn, cổ phiếu LCM của Công ty cổ phần Khai thác, chế biến khoáng sản Lào Cai đang được giao dịch với giá 600 - 700 đồng/cổ phiếu. Trong quý I/2018, báo cáo tài chính của LCM cho biết, doanh thu ghi nhận vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2017. Con số 540 triệu đồng lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính. Tính đến cuối quý I/2018, LCM lỗ lũy kế 37,8 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 35% tổng tài sản.

Trước đó, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đất Việt đã đưa ý kiến ngoại trừ với 30,2 tỷ đồng hàng tồn kho của Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình, công ty con của LCM, do không chứng kiến kiểm kê và cũng không thực hiện được thủ tục kiểm toán thay thế. Đồng thời, đơn vị kiểm toán không nhận được xác nhận vốn góp của khoản đầu tư 34,2 tỷ đồng của LCM vào công ty con là Công ty cổ phần Granite Phú Yên. Tổng 2 khoản này chiếm tới 27% tổng tài sản của LCM.

Cổ phiếu LCM đang bị HOSE đưa vào diện kiểm soát và đầu tháng 5/2018, Công ty bị nhắc nhở do chậm nộp báo cáo thường niên năm 2017.

Tương tự, cổ phiếu KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình và cổ phiếu CTA của Công ty cổ phần Vinavico đang ở trong diện bị kiểm soát do doanh nghiệp thường xuyên vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Đến ngày 10/7/2018, cả CTA và KHB đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, CTA còn chưa có báo cáo tài chính quý I/2018 dù hiện đã bước sang quý III.

Trong báo cáo tài chính quý IV/2017 do CTA tự lập, lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 tương đương 60% vốn điều lệ. Tại KHB, con số này đến cuối quý I/2018 là 26%. Trước đó, KHB nằm trong danh sách 7 công ty khoáng sản có liên quan đến việc xuất hóa đơn nhằm mục đích tạo công nợ ảo (không có trao đổi hàng hóa) để lừa đảo bán chứng khoán tại Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM).

Tại Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn (SGO), trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 công bố giữa tháng 6/2018, Công ty TNHH Kế toán và Kiểm toán Hà Nội đã đưa ý kiến ngoại trừ với giá trị hàng tồn kho (32,5 tỷ đồng), đồng thời không nhận được xác nhận công nợ với khoản phải thu 58 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017. Riêng 2 khoản mục này chiếm 32,1% tổng tài sản của SGO. Cổ phiếu SGO đã bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch từ tháng 1/2017 do hàng loạt vi phạm về công bố thông tin, vi phạm về quản trị.

Kinh doanh bết bát, thua lỗ, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, cổ phiếu bị kiểm soát, cảnh báo, hạn chế giao dịch…, khả năng bị hủy niêm yết với nhiều doanh nghiệp trong nhóm này được dự báo sẽ sớm xảy ra. Tuy vậy, một số cổ phiếu vẫn nhận được dòng tiền không nhỏ của những nhà đầu tư “đặt cược”.

Với KSA, trước khi bị ngừng giao dịch, cổ phiếu đã có chuỗi 5 phiên tăng giá trần liên tiếp, khối lượng giao dịch có phiên đạt 3,4 triệu đơn vị. Trong phiên giao dịch cuối cùng của CDO trước khi ngừng giao dịch, thanh khoản gấp 3,5 lần trung bình 10 phiên trước đó.

Theo quy định hiện nay, nếu bị hủy niêm yết, cổ phiếu sẽ được chuyển dữ liệu xuống giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin, Sở giao dịch có thể đưa cổ phiếu vào danh sách tạm ngừng giao dịch ngay khi xuống UPCoM. Đây là rủi ro lớn với nhà đầu tư, mà câu chuyện của BAM hay KSS là ví dụ.

Cổ phiếu BAM của Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 10/11/2016 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, sau khi chuyển sang UPCoM đã bị tạm ngừng giao dịch.

Từ đó đến nay, nhiều cổ đông BAM phản ánh, họ không nhận được bất cứ thông tin nào về doanh nghiệp, số điện thoại Công ty không liên lạc được, truy cập website thể hiện trên bản cáo bạch là một đơn vị dường như không liên quan đến BAM trước đây. 

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục