Sớm lấp khoảng trống pháp lý cho Fintech

0:00 / 0:00
0:00
Việc thiếu khung pháp lý khiến thị trường Fintech Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, doanh nghiệp chùn bước. Khoảng trống này cần sớm được khỏa lấp.
Sớm lấp khoảng trống pháp lý cho Fintech

Tiềm năng lớn của thị trường Fintech

mBox (thuộc eCap Holding) là Fintech cung cấp dịch vụ ứng lương cho doanh nghiệp. Họ đáp ứng nhu cầu của công nhân, nhân viên cần trang trải cuộc sống, trong khi doanh nghiệp thường trả lương 1 kỳ/tháng.

“Công nhân, nhân viên nghỉ lễ 30/4 - 1/5 có nhu cầu tiêu dùng dịp này, nhưng phải đến tháng 5 họ mới được nhận lương. Người lao động có nhu cầu đột xuất thường phải vay các kênh phi chính thức như tín dụng đen. Tại nhiều doanh nghiệp, công nhân sẵn sàng bỏ việc nếu không được tạm ứng lương để lo cuộc sống. Nhưng ở nhiều nơi, doanh nghiệp tương đối khó khăn trong việc đáp ứng dòng tiền này. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Fintech…”, ông Tuấn Nguyễn, Chủ tịch eCap Holding chia sẻ tại Tọa đàm “Tương lai tài chính số Việt Nam” diễn ra vào cuối tuần qua.

Theo ông Tuấn, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn. Thị trường này có quy mô 43 triệu tỷ đồng, trong đó, thị trường tài chính phi truyền thống chiếm 25%, nhưng cả nước chỉ có 25 cửa hàng cầm đồ chính thống. Nhu cầu cho thị trường là rất lớn, trong khi các ngân hàng không đủ sức phục vụ.

Dẫn số liệu, Việt Nam hiện có 48 tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ tài chính (trong đó có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử), lượng người dùng Fintech cũng tăng trưởng tích cực từ 34,2 triệu người (năm 2018) lên 57,6 triệu người (năm 2022), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: “Hoạt động Fintech tại Việt Nam dự báo tăng trưởng nhanh, trong đó chủ yếu là thanh toán số và tài chính cá nhân, tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ”.

Nghiên cứu của Robocash Group chỉ ra rằng, thị trường Fintech Việt Nam có thể đạt giá trị lên đến 18 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp 4 lần so với năm 2016. Ước tính, 93% vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dành cho mảng ví điện tử và thanh toán.

Còn theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh và tỷ lệ tiếp cận Internet 73,2% là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực Fintech.

Cần hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện

Mặc dù tăng trưởng mạnh, nhưng thời gian qua, thị trường Fintech tại Việt Nam cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề. Sự đổ vỡ, mất khả năng thanh toán của hàng loạt mô hình cho vay ngang hàng (P2P) cũng như một số dịch vụ fintech có hoạt động gọi vốn, trả lãi suất cao… có một phần nguyên nhân do hành lang pháp lý về Fintech của Việt Nam chưa hoàn thiện.

Hiện các quy định pháp lý điều chỉnh lĩnh vực Fintech nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định

số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Thông tư số 18/2018/TT-NHNN ngày 21/8/2018 về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng...

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW chỉ ra rằng, các quy định pháp lý của nước ta đối với lĩnh vực Fintech chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và hoàn thiện.

Thứ nhất, cơ chế pháp lý chưa đầy đủ, nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Khuôn khổ pháp lý hiện nay về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực Fintech trong hoạt động thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động cho vay ngang hàng.

Thứ hai, cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech.

Thứ ba, Fintech ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động, nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về thể chế quản lý, giám sát cũng như chức năng, nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với Fintech, chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động Fintech.

Thứ tư, chưa có quy định pháp lý cụ thể cho hợp tác phát triển giữa ngân hàng và fintech khi chia sẻ thông tin khách hàng, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm giữa các bên với khách hàng trong mô hình kinh tế chia sẻ này. Việc các cơ quan quản lý xem fintech như một “cánh tay nối dài” của ngân hàng, mà chưa được hoạt động độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn của các công ty fintech trong hoạt động thanh toán điện tử.

Ngoài ra, quy định pháp lý về an ninh mạng cho lĩnh vực Fintech cũng chưa được ban hành.

Từ thực tế hoạt động của mBox, ông Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Doanh nghiệp rất thiệt thòi. Khi chúng tôi muốn hoạt động ví điện tử, phải xin giấy phép mất tới 5 năm. Do đó, cần hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”.

Có doanh nghiệp ví von rằng, hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam như “đi trên tầng băng mỏng”, lúc nào cũng có thể sa chân xuống hố băng lạnh. Chính vì vậy, mong mỏi lớn nhất của thị trường hiện nay là một hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện để các doanh nghiệp vững tin đầu tư, từ đó giúp thị trường phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển Fintech.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục