Trước đòi hỏi từ thực tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, cần phải có nghiên cứu để đổi mới hệ thống, có thể thiết kế mẫu trên cơ sở tính toán cụ thể để áp dụng được trong thực tiễn.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh chỉ rõ sự cần thiết về dự tính, dự toán lượng vốn trong tương lai. Công thức áp dụng cần phải được rà soát, có công thức chuẩn để tính suất vốn đầu tư hiệu quả, thực hiện theo hướng cập nhật giá hiện tại cho suất đầu tư theo từng thời điểm.
Mặt khác, công thức phải xác định được hiệu quả công trình công theo loại hình đầu tư như của doanh nghiệp, tư nhân.... Trong công thức của suất vốn đầu tư phải xác định được nguyên tắc về tính hiệu quả và tính khả thi; cần phải khuyến khích việc đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ, xác định được năng suất lao động.
Các chuyên gia dẫn chứng về kinh nghiệm của Mỹ trong xác định và ứng dụng giá xây dựng tổng hợp, kinh nghiệm xác định chi phí của dự án giao thông tại bang California cho thấy có nhiều phương pháp đang được ứng dụng hiệu quả.
Cụ thể như việc lập dự toán chủ động ở các thời điểm khác nhau của dự án, tổng hợp thông tin cho chi phí cuối cùng; phương pháp quản lý dữ liệu lịch sử hiệu quả, sử dụng phương pháp tiếp cận là khối lượng/m2 sàn thay vì chỉ dựa vào chi phí/m2 sàn… Điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến công trình khi có điều chỉnh về pháp luật, chi phí hay thị trường, khả năng khắc phục nhanh và chính xác những rủi ro về chi phí.
Còn về thực trạng tại Việt Nam hiện nay, Viện Kinh tế xây dựng khẳng định, việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn nhiều tồn tại, đặc biệt là hệ thống suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp. Năm 2021, Bộ Xây dựng đã công bố chỉ tiêu cho các công trình. Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm thì hệ thống này vẫn còn hạn chế, chưa được hoàn thiện để đáp ứng được theo yêu cầu của toàn xã hội.
Một số lĩnh vực cũng phản ánh về các số vướng mắc khi áp dụng tại các dự án chuyên ngành hiện nay. Đơn cử như việc hoàn thiện hệ thống phải tổng hợp số liệu chuẩn xác, sử dụng biện pháp kiểm tra chéo để kiểm tra thông tin; nghiên cứu các hướng dẫn, tư vấn tính toán, điều chỉnh cho các dự án cụ thể; rà soát văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất chung...
Bên cạnh đó, cần quy đổi về đơn vị khối lượng; xây dựng thiết kế điển hình để tham khảo, điều chỉnh cho từng loại công trình; thay đổi cơ chế quản lý đề phù hợp với thực tiễn; phải công bố các hệ số, tham khảo nước ngoài…
Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng Lê Văn Cư nhận định, hiện khả năng lấp đầy chỉ tiêu suất vốn đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc bổ sung được 20 chỉ tiêu/năm, chủ yếu là điều chỉnh và cập nhật lại những nội dung đã có, rất khó khi bổ sung mới do không có dữ liệu lịch sử… Do đó, cách làm này vẫn còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào dữ liệu lịch sử.
Để khắc phục những khó khăn trên, Viện Kinh tế xây dựng đã đề xuất một số giải pháp và lộ trình hoàn thiện. Theo đó, ưu tiên xác định suất vốn đầu tư theo cách tiếp cận từ nguồn dữ liệu một cách chủ động; phải kết hợp dữ liệu lịch sử và dữ liệu từ hồ sơ thiết kế và các yếu tố chi phí đầu vào; làm mới lại hệ thống suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp, hoàn thiện danh mục, cơ sở dữ liệu gốc công bố…
Thời gian tới, cần có các giải pháp đột phá, thống nhất, hiệu quả góp phần đổi mới, hoàn thiện hệ thống suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp. Đây cũng là đòi hỏi nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý đầu tư xây dựng.