Soi tiến độ 4 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Đây là các dự án đường sắt đô thị: tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (TP. Hà Nội); Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM).
Vận hành thử nghiệm chạy tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8. Vận hành thử nghiệm chạy tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8.

Bộ GTVT vừa có báo cáo số 5108/BC - BGTVT gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.HCM về tiến độ triển khai 4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai trên địa bàn 2 thành phố.

Theo Quy hoạch được duyệt, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km; TP.HCM sẽ xây dựng 11 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 229,1 km.

Đến nay, TP. Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh - Hà Đông, 13 km) và đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội, 24 km). TP.HCM đang thi công xây dựng 2 tuyến (Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương, 20,74 km); các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (Tuyến số 3), Bộ GTVT cho biết là tiến độ tổng thể dự án đạt 78,52% (đoạn trên cao đạt 99,95%, đoạn ngầm đạt 34,1%).

Cụ thể, tính đến đầu tháng 5/2024, toàn bộ đoạn trên cao đã hoàn thành thi công và lắp đặt, hiện đang triển khai ở bước thử nghiệm cuối cùng - vận hành thử.

Song song với công tác vận hành thử, chủ đầu tư đang tiếp tục chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục để vận hành đoạn trên cao vào tháng 6/2024.

Đối với đoạn tuyến ngầm gồm Gói thầu CP03 (Hầm và các ga ngầm) sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đến nay tiến độ đạt 42,22%. Các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoạn tuyến trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải) sớm đưa vào khai thác vận hành.

Hiện tại, công tác nghiệm thu, bàn giao đang được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ GTVT; Bộ Xây dựng; Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tham gia, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ đảm bảo kế hoạch sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, 1 Depot tại phường Minh Khai, huyện Bắc Từ Liêm.

Công trình sử dụng đường sắt khổ đôi 1.435 mm; Nhà ga: 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. Tổng mức đầu tư Dự án là 34.826,05 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp (DGT), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến số 2) có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km. Dự án có 1 depot tại Xuân Đỉnh diện tích 17,5 ha, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, 10 đoàn tàu; đường sắt đôi khổ 1.435mm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131.023 triệu Yên Nhật); tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên Nhật), sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2009 đến năm 2015. Dự án đang dự kiến điều chỉnh hoàn thành đưa vào khai thác 2029 và 2 năm đào tạo vận hành đến năm 2031 theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội.

Theo Bộ GTVT, hiện công tác GPMB tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã cơ bản thực hiện xong các ga và đoạn tuyến trên cao và 5/7 ga ngầm; khu Depot đã thực hiện xong GPMB đất nông nghiệp, đất ở chưa thực hiện.

Do Dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư nên không thực hiện được việc ký kết Hiệp định vay (theo ý kiến của Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA chỉ thực hiện việc ký kết Hiệp định vay sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt); và nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 theo phương án ga C9 điều chỉnh.

Hiện UBND TP. Hà Nội đã trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến thẩm định; UBND TP. Hà Nội đang tổng hợp giải trình, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024.

Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Tuyến số 1) có tổng chiều dài 19,7 km ( đi ngầm 2,6 km; đi trên cao 17,1 km) với 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao và 1 Depot).

Tổng mức đầu tư Dự án là 43.757,15 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của JICA và vốn trong nước; thời gian thực hiện dự án ban đầu từ 2007-2015; hiện UBND TP.HCM đang kiến nghị điều chỉnh đưa vào khai thác vào quý IV/2024.

Bộ GTVT cho biết, tổng thể dự án đến nay đạt 98%, đang tiến hành công tác thử nghiệm liên động toàn tuyến. Song song với công tác thử nghiệm, chủ đầu tư đang tiếp tục chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại (cầu bộ hành, tích hợp hệ thống) và các thủ tục (nghiệm thu PCCC, đánh giá an toàn hệ thống, đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành) để vận hành thử nghiệm, tiến hành vận hành thương mại vào quý IV/2024.

Hiện Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang xuất hiện một số vướng mắc lớn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Cụ thể, các vấn đề liên quan đến Nhà thầu Hitachi (Gói thầu CP3) về 3 nhóm vấn đề: nhóm các vấn đề khó khăn vướng mắc do nội dung Hợp đồng chưa rõ; nhóm các khó khăn vướng mắc do các bên chưa thống nhất được chi phí đền bù do kéo dài thời gian thực hiện hoặc đẩy nhanh tiến độ; nhóm các khó khăn do nhà thầu không tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng. Giải quyết tranh chấp hợp đồng với các Nhà thầu gói CP2 về chỉ số giá, thời gian thực hiện liên quan GPMB.

Các vướng mắc liên quan đến thủ tục gồm: nguồn vốn ODA cấp phát chưa được bổ sung trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; thỏa thuận cho khoản vay số 4 của Thoả thuận vay VN22-P1 chưa hoàn thành thủ tục cấp ý kiến pháp lý cho nhà tài trợ JICA.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên hiện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện.

Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,042 km (đi ngầm dài 9,091 km; đi trên cao dài 1,951 km) với 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao, 1 Depot Tham Lương).

Dự án có tổng mức đầu tư là 47.890,84 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của các Nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước. Thời gian thực hiện Dự án (điều chỉnh lần 7) là từ năm 2010 đến năm 2030.

Tính đến đầu tháng 5/2024, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng đạt 92,14%. Hiện đang tiếp tục thực hiện các thủ tục bàn giao để sớm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (dự kiến cuối quý II/2024), đồng thời di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (dự kiến hoàn thành quý II/2025).

Dự án có 8 gói thầu xây lắp. Đến nay, gói thầu xây dựng Tòa nhà văn phòng depot Tham Lương (gói thầu CP1) đã đưa vào sử dụng tháng 3/2020. Các gói thầu chính EPC còn lại của dự án đang được cập nhật, rà soát trước khi triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và lựa chọn Tư vấn Kiểm soát thực hiện dự án và Giám sát thi công (CS2B) rà soát, cập nhật thiết kế, dự toán và hồ sơ mời thầu các gói thầu để tổ chức đầu thầu, lựa chọn nhà thầu vào cuối năm 2025, triển khai thi công từ 2025 hoàn thành 2030.

Chủ đầu tư đã làm việc với Phái đoàn của Nhà tài trợ về tiến độ thực hiện dự án và đang rà soát, báo cáo UBND TP.HCM về phương án sử dụng vốn vay cho dự án.

Hiện khó khăn lớn nhất tại Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương là thủ tục thu xếp các khoản vay vốn ODA cho dự án từ các nhà tài trợ phức tạp, kéo dài và đến nay cũng chưa hoàn thành đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai công tác đấu thầu gói thầu Tư vấn CS2B và các gói thầu xây dựng, thiết bị chính của Dự án.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục