Trong quý II/2019, STK ghi nhận tốc độ bán hàng chậm và giá bán của sợi virgin (sợi nguyên sinh) giảm do khách hàng chậm xuống đơn và tác động của hoạt động bán phá giá từ các đối thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng doanh thu sợi tái chế (sợi trọng điểm năm 2019 của STK) và các loại sợi có giá trị gia tăng cao khác đã giúp bù đắp doanh số của sợi virgin (doanh số sợi virgin giảm 27%, trong khi sợi tái chế tăng 118%). Công ty đang có xu hướng nâng cao tỷ trọng sử dụng sợi Recycle cung cấp cho các nhãn hàng lớn.
Do đó, quý II, STK đạt doanh thu 494 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, ở mức 23% nên lợi nhuận gộp tăng 11%, ở mức 95 tỷ đồng. Cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm. Kết quả, lợi nhuận quý 2 đạt 53,8 tỷ đồng, tăng 21,5%.
Trong quý II, STK phát triển hơn 25 khách hàng mới, có 20 khách hàng đến từ thị trường nội địa, 1 khách hàng đến từ thị trường Mỹ, 01 khách hàng đến từ thị trường Nhật Bản, 02 khách hàng đến từ thị trường Đài Loan, đóng góp 1% trong doanh thu quý II/2019 của Công ty.
STK đang sản xuất và thử nghiệm các loại sợi có độ nhuyễn cao để tối đa hóa giá bán. Hiện Công ty đã thử nghiệm và sản xuất mẫu sợi by pass, two tone, thick and thin với nhiều hiệu ứng, ánh bóng, hoa văn, ren trên vải.
Kết quả kiểm tra mẫu đạt tiêu chuẩn nên trong quý II/2019 Công ty đã chào mẫu cho các khách hàng nội địa và thị trường xuất khẩu. Bước đầu Công ty đã nhận được các đơn mẫu cho sợi two tone, by pass, thick and thin ở thị trường nội địa và Thái Lan và sắp tới Công ty sẽ tiến hành sản xuất giao những mẫu này trong Q3-2019.
Đối với dự án sản xuất sợi màu (dope dyed), STK cho biết, đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị mua thêm vào máy móc hiện hữu tại nhà máy Củ Chi trong tháng 6/2019. Dự kiến Công ty sẽ cho chạy thử trong Q3-2019 và từng bước cung ứng ra thị trường, mở rộng thêm mạng lưới tiêu thụ sản phẩm này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STK cũng có sự bứt phá đi lên từ đầu năm 2019 và chinh phục đỉnh 25.300 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 7.
Chia sẻ ý kiến về Hiệp định EVFTA, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc STK cho rằng, Việt Nam về lâu về dài sẽ có lợi thế về thuế quan hơn các đối thủ khác như Trung quốc, Malaysia, Mexico, Thái lan, Thổ Nhĩ Kỳ (hiện đang chịu mức thuế MFN), Ấn Độ, Indonesia, Pakistan (hiện đang được hưởng chế độ Generalized System of Preferences –GSP) khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU.
Theo đó, STK cũng đang tìm cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia EU có ngành công nghiệp dệt nhuộm như Italy, Slovenia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Séc. Tuy nhiên, do mới ở giai đoạn đầu nên STK chưa xác định mục tiêu cụ thể. STK cũng đẩy mạnh việc bán hàng cho các khách hàng có làm hàng xuất khẩu đi EU.
Đồng thời, STK mong đợi là các doanh nghiệp may mặc Việt nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn từ EU. Và như vậy, ngành sản xuất vải cũng như ngành sợi trong nước sẽ được hưởng lợi gián tiếp vì theo EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan thì sản phẩm may mặc phải làm từ vải sản xuất tại Việt nam.